Mùa nhập học, lo bệnh truyền nhiễm

Cập nhật: 12-08-2015 | 10:09:31

Trước thông tin trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng, nhiều phụ huynh lo lắng khi bước vào những ngày đầu tựu trường. Cán bộ y tế khuyến cáo cần giữ gìn vệ sinh ở gia đình cũng như nơi công cộng để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm…

 Khám bệnh cho trẻ tại phòng khám dịch vụ BVĐK

 Khám bệnh cho trẻ tại phòng khám dịch vụ BVĐK tỉnh Ảnh: Q.NHƯ

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh được sửa sang lại khá khang trang. Phòng khám dịch vụ được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con đến khám theo yêu cầu nhanh hơn. Một buổi sáng đến đây ghi nhận tình hình, chúng tôi thấy có một số bệnh nhi sau khi khám được bác sĩ chỉ định nhập viện. Hầu hết các bé mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy cấp, các bệnh truyền nhiễm khác.

Chị Kim Anh, cán bộ điều dưỡng khoa Nhi, cho biết tính đến ngày 15-7, khoa đã điều trị 211 ca SXH, 264 ca tay chân miệng (TCM), 15 ca quai bị, 10 ca thủy đậu và 26 ca bị bệnh sởi. Trong khi thủy đậu, sởi, quai bị giảm thì SXH và TCM vẫn chưa giảm nhiều, gần đây có dấu hiệu gia tăng do đang vào cao điểm mùa dịch SXH. Lý giải cho việc bệnh nhân các bệnh truyền nhiễm tăng ở khoa Nhi, các bác sĩ cho biết gia đình bệnh nhân không yên tâm điều trị tuyến dưới dẫn đến tình trạng tăng số lượng bệnh nhân cả đến khám thường, khám dịch vụ lẫn điều trị nội trú tại BVĐK tỉnh.

Vào mùa cao điểm bệnh SXH lại là mùa nhập học nên phụ huynh càng lo lắng. Anh Nguyễn Văn Mạnh đưa con đến khám tại phòng khám dịch vụ nhi, cho biết khi con mắc bệnh, thấy con lừ đừ, sốt và ăn uống khó khăn nên anh nghi ngờ con bị SXH. Bác sĩ chẩn đoán con trai anh bị viêm phổi nhẹ, mắc bệnh về đường hô hấp và cho nhập viện theo dõi. Ghi nhận tại phòng khám, nhiều phụ huynh khác lại khá kỹ tính. Họ thấy con có một vài nốt sần sùi ở đầu gối liền nghĩ ngay đến bệnh TCM và đưa đến phòng khám. Kết quả, con bị bệnh dị ứng da. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, ba mẹ quan tâm tới sức khỏe của con như thế là rất tốt. Nếu có bệnh SXH hay TCM, phát hiện sớm sẽ dễ cho công tác điều trị; đừng tự ý mua thuốc uống và cũng không nên để bệnh quá nặng mới đưa bé đi bệnh viện. Năm nay, mới bắt đầu vào mùa cao điểm của bệnh SXH là tháng 7 và 8, số ca mắc bệnh SXH đã có dấu hiệu tăng lên.

Trường hợp bệnh SXH và TCM nhẹ, các bác sĩ thường tư vấn đưa bệnh nhân về nhà theo dõi đúng cách. Các trường hợp điều trị ngoại trú cũng phải tái khám, theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Điều đáng nói là phụ huynh cần theo dõi con kỹ càng trong trường hợp bé lên cơn sốt. Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống bệnh SXH cho những trẻ chưa mắc bệnh. Về cách chăm sóc trẻ khi sốt cao, các bác sĩ cũng tư vấn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol (Hapacol), lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống trẻ thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước kể cả các loại nước trái cây và ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi, theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh. Phụ huynh cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng khi trẻ mắc bệnh SXH như: nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Với bệnh TCM cần phòng bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, rửa tay trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, rửa tay trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã… với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập chỗ đông người cho đến khi khỏe hẳn. Cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao liên tục, mất tỉnh táo hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu.

Mùa tựu trường đến, rất cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường để không xảy ra tình trạng dịch TCM và SXH lan rộng trong trường học.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên