Môi trường đầu tư tại Bình Dương thời gian gần đây tiếp tục có nhiều điểm cộng hấp dẫn khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kinh tế - xã hội phát triển ổn định… Tuy nhiên, điều khá nhiều các doanh nghiệp (DN) trăn trở là tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu ổn định trong nước thay vì nhập khẩu.
Nhận rõ được thực tế này, thời gian qua UBND tỉnh ưu tiên tập trung phát triển, chú trọng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm địa phương. Tỉnh đã giao Sở Công thương tăng cường kết nối với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu, phối hợp tổ chức kết nối cung, cầu, tạo điều kiện cho DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước.
Dù đã có bước tiến lớn trong kết nối, phát triển chuỗi cung ứng, tuy nhiên phải thừa nhận rằng, những sản phẩm CNHT mà DN trong tỉnh cung ứng được chỉ mới là sản phẩm giản đơn, chưa phải là cốt lõi, mang tính đặc trưng riêng của sản phẩm đầu cuối nên giá trị gia tăng không cao.
Tại sao các DN chưa tham sâu vào chuỗi cung ứng, câu trả lời mà chúng tôi tìm hiểu được không hẳn do năng lực sản xuất hạn chế mà các DN có phần e ngại việc đầu tư tài chính để nhập máy móc hiện đại, sản xuất đúng quy chuẩn mà các đối tác lớn yêu cầu khi chưa có hợp đồng chắc chắn. Trong khi đó, nếu không chứng minh bằng năng lực thực tế thì chẳng có đối tác nào dám ký hợp đồng. Và như vậy họ cứ đuổi bắt nhau trong cái vòng lẩn quẩn…
Để kết thúc hành trình “đuổi bắt”, thực sự tìm thấy nhau trên hành trình hợp tác cung ứng sản phẩm CNHT, DN Việt cần chủ động tìm hiểu, đầu tư công nghệ để đặt vấn đề hợp tác với các DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Bản thân DN Việt cũng cần chủ động bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giao hàng đúng hẹn, nâng cao năng lực quản trị, sẵn lòng cải thiện liên tục dây chuyền sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác...
TIỂU MY