Mỹ triển khai nhóm nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng COVID kéo dài

Cập nhật: 02-04-2022 | 06:45:02

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) dự kiến sẽ tài trợ khoảng 22 triệu USD cho một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois Chicago (UIC) để tiến hành nghiên cứu hội chứng COVID kéo dài (long COVID) trong vòng 4 năm.

Đây là một phần trong sáng kiến "Nghiên cứu COVID-19 để tăng cường phục hồi" (RECOVER) của NIH.

Các nhà khoa học sẽ tập trung tìm hiểu về hội chứng COVID kéo dài ở người trưởng thành cũng như tác động của hội chứng này đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Nhóm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc UIC tại Chicago và Peoria - những người đang làm việc với các bệnh nhân, các sở y tế công cộng, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các tổ chức cộng đồng để tìm ra cách tốt nhất giúp bệnh nhân COVID-19 tránh mắc phải hội chứng COVID kéo dài.

Hội chứng này bao gồm các triệu chứng mệt mỏi triền miên, khó thở, sương mù não, rối loạn giấc ngủ, sốt, các triệu chứng tiêu hóa, lo lắng và trầm cảm. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dao động từ nhẹ đến suy nhược hoàn toàn.

Một số người, nhất là những người mắc bệnh COVID-19 thể nặng, có thể gặp các vấn đề sức khỏe khác.

Đặc biệt, các nhà khoa học thuộc UIC đang tìm hiểu nguyên nhân khiến một người dễ bị mắc hội chứng COVID kéo dài, cũng như những yếu tố mang tính bảo vệ và những can thiệp nào cần thực hiện để đưa bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường càng sớm càng tốt nếu họ chịu tác động lâu dài của những triệu chứng này.

Tiến sỹ Jerry Krishnan, Phó Hiệu trưởng UIC phụ trách về khoa học y tế cộng đồng, đồng thời là giáo sư y khoa và y tế công cộng, nêu rõ: "Chúng tôi muốn biết sâu hơn liệu sự phục hồi của một bệnh nhân có thay đổi tùy thuộc biến thể mà họ nhiễm, tiền sử bệnh tật và lối sống: bao gồm tình trạng tiêm chủng trước khi mắc bệnh, vai trò của các yếu tố xã hội lẫn môi trường."

Theo ông, lời giải cho những câu hỏi này sẽ giúp các nhà khoa học hỗ trợ người dân và những cộng đồng chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19.

Những người tham gia nghiên cứu sẽ điền thông tin vào một bản khảo sát sức khỏe. Họ được khám sức khỏe và kiểm tra định kỳ từ 3 tháng đến 12 tháng/lần và trong vòng 4 năm.

Sau đó, các nhà nghiên cứu UIC lấy cơ sở dữ liệu này để phục vụ nghiên cứu về COVID kéo dài.

Theo Tiến sỹ Krishnan, ước tính mới nhất cho thấy có tới 50% bệnh nhân COVID-19 sẽ trải qua hội chứng COVID kéo dài. Nhiều bệnh nhân COVID-19, kể cả những trường hợp nhẹ và không phải nhập viện, tiếp tục có các triệu chứng hàng tháng sau lần đầu mắc bệnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=406
Quay lên trên