Báo cáo của Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2020 đạt 88,07% xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình Dương là 1 trong 49 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2020 tăng so với SIPAS 2019.
Kết quả trung bình giai đoạn 2017-2020, Bình Dương có 3/5 yếu tố đạt kết quả cao hơn mức chung cả nước, gồm: Yếu tố tiếp cận dịch vụ (cao hơn 1,71%), yếu tố kết quả giải quyết thủ tục hành chính (cao hơn 0,23%), yếu tố tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị (cao hơn 8,86%). Còn lại 2/5 yếu tố đạt kết quả thấp hơn mức chung cả nước, gồm: Yếu tố thủ tục hành chính (thấp hơn 0,48%), yếu tố công chức (thấp hơn 0,29%). Tỷ lệ người dân, tổ chức bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí của Bình Dương ít hơn so với cả nước lần lượt là 0,87% và 0,54%.
Cùng với đó, Bình Dương đã có sự giảm mạnh đều qua các năm về tỷ lệ người dân, tổ chức bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, chỉ còn 0,21% vào năm 2020 (so với năm 2017 là 3,3%) và người dân, tổ chức không còn bị công chức gợi ý nộp tiền ngoài phí, lệ phí vào năm 2 020 (so với năm 2017 là 0,8%)…
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã dự thảo Đề án xây dựng và triển khai việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Căn cứ vào đề án này, năm 2021 và các năm tiếp theo, Trung tâm Hành chính công tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, tham mưu việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi đề án được ban hành chính thức.
H.VĂN