Năm 2020, các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính

Cập nhật: 18-12-2020 | 08:10:25

Năm 2020, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Nếu như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An tiếp tục là điểm sáng của tỉnh trong công tác CCHC thì TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát đang từng bước hoàn thiện các điều kiện nâng cao Chỉ số CCHC năm 2020.

Cán bộ “một cửa” Sở Kế hoạch - Đầu tư giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp

Thực hiện tốt các nhiệm vụ

Văn phòng UBND tỉnh cho biết, kết quả CCHC năm 2020 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020. Việc đánh giá kết quả CCHC thông qua Chỉ số CCHC đã được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, trở thành công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Năm 2020, được sự chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy đối với công tác CCHC, UBND TP.Thuận An và các xã, phường cùng các cơ quan, đơn vị đã triển khai công tác CCHC với chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác tuyên truyền về CCHC được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua các kênh tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc chung tay thực hiện CCHC; từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết tiếp tục phát huy kết quả các năm trước, năm 2020, công tác CCHC toàn thành phố tiếp tục đạt được kết quả tốt, nhất là tại các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Hưng Định, Bình Hòa. ..

Nếu như ở TP.Thuận An đã tốt càng thêm tốt thì ở TP.Dĩ An, Thành ủy Dĩ An luôn xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết TP.Dĩ An luôn chú trọng các nhiệm vụ CCHC, chú trọng công tác kiểm soát TTHC, kịp thời điều chỉnh, cập nhật, công khai các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp xúc, giải quyết công việc. TP.Dĩ An thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân về chủ đề CCHC để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền. Qua đó, giúp chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, bức xúc của nhân dân, tăng tính hiệu quả trong giải quyết TTHC.

Ông Phạm Văn Bảy cho rằng, thực tế cho thấy, địa phương nào thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân chủ đề CCHC, cải cách TTHC thì nơi đó luôn giải quyết tốt TTHC cho người dân, tổ chức. Nhất là qua đối thoại không khí dân chủ được phát huy, nhiều góp ý thẳng thắn đã góp phần giúp chính quyền giải quyết tốt hơn và kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. “Thông qua các hội nghị đối thoại chính quyền sẽ hiểu, đồng cảm và chia sẻ những tâm tư, tình cảm, bức xúc của người dân và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Qua đối thoại, khoảng cách giữa chính quyền và người dân trở nên gần hơn; người dân và chính quyền sẽ có sự gắn bó, cảm thông, hiểu nhau hơn”, ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tạo mọi điều kiện góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước phục vụ công tác CCHC, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước để từng bước phát triển chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Kết quả ứng dụng CNTT năm 2018-2020 trong các cơ quan Nhà nước ở Bình Dương được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá xếp hạng Bình Dương đứng thứ 4/63 tỉnh, thành.

Điều đó minh chứng các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, so với yêu cầu quản lý và nhu cầu người dân, doanh nghiệp thì việc ứng dụng CNTT đến nay chưa tương xứng với điều kiện và kỳ vọng. UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành và tác nghiệp, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, khắc phục những điểm lỗi trong đường dữ liệu. Đối với cơ sở thì công tác này càng xem trọng.

Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương được xây dựng nhằm công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, phù hợp với tầm nhìn định hướng của quốc gia về Chính phủ điện tử. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Để góp phần xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử Bình Dương phát triển theo hướng đẩy mạnh CCHC gắn với việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì từng địa phương cần phải hành động; liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC.

Thời gian tới, ngoài việc Sở TT&TT tham mưu toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhiệm vụ tình hình mới.

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên