Nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế trang trại

Cập nhật: 23-03-2021 | 07:40:05

Thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã được hình thành, trong đó kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng trong bước chuyển từ nông nghiệp quy mô nhỏ sang sản xuất chuyên canh hàng hóa. Hiện nay, nhiều mô hình trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển nông thôn của tỉnh.

 Mô hình trồng rau theo phương pháp VietGAP mang lại giá trị kinh tế cao

 Hướng đi phù hợp

Để phát triển phù hợp trong giai đoạn mới, hộ nông dân đã mạnh dạn thay thế mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng trên 450 ha. Một số mô hình trồng cây có múi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Toàn tỉnh có 313 trang trại chăn nuôi tập trung ở các huyện, thị phía bắc, phần lớn áp dụng và duy trì quy trình sản xuất VietGAP với 34 cơ sở được chứng nhận.

Ông Đỗ Văn Lập ở xã An Tây, TX.Bến Cát cho biết gia đình ông đầu tư đất đai và chi phí để phát triển chăn nuôi heo theo quy mô trang trại. Những năm qua, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng đang đầu tư mở rộng quy mô, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập.

Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại đang phát triển mạnh ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên. Lợi nhuận kinh tế đạt bình quân 500 triệu đồng/trang trại/năm, cao gấp nhiều lần so với lợi nhuận bình quân của nông hộ. Giá trị sản phẩm hàng hóa của các trang trại mang lại cũng khá cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho biết hiệu quả kinh tế của mô hình trang trại rất lớn, nhiều người dân trong xã có đất chuyển hướng đầu tư quy mô lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ tỉnh về chính sách đầu tư cây giống, phân bón cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, nông dân có thêm động lực để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Gắn kết sản xuất và chế biến

Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ từ các ngành và địa phương, nông dân trong tỉnh đã đầu tư mạnh về vốn và khoa học kỹ thuật, sản phẩm sản xuất từ các trang trại khẳng định được giá trị trên thị trường.

Ông Nguyễn Chiến, trang trại Chiến Thắng (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo), cho biết sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP hiện được nhiều trang trại ở địa phương chú trọng đầu tư. Sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, không chỉ cung cấp nông sản an toàn cho thị trường tiêu dùng, mà còn tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào sự gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương. Trong quá trình sản xuất do nhu cầu sản phẩm sạch và an toàn của thị trường, trang trại đã áp dụng “Thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP” vào sản xuất với tất cả các sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các chính sách hỗ trợ các trang trại trên địa bàn tỉnh, trong năm, sở đã tiếp nhận và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 15 phương án với tổng số tiền đề nghị vay 163 tỷ đồng, tiếp nhận và xét cơ cấu lại chu kỳ trả nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho 7 phương án. Đến thời điểm này, có 119 phương án bảo đảm nội dung, điều kiện theo quy định với tổng vốn đề nghị vay là 1.033 tỷ đồng. Các phương án này được chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tiến hành thẩm định và quyết định cho vay về phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển nông nghiệp đô thị, phát triển vườn cây có múi… Đến nay, số trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh là 115, tăng 4 trang trại so với cùng kỳ năm 2019 (80 trồng trọt và 35 chăn nuôi).

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2021, sở đã lên kế hoạch cùng với các ban, ngành triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị ở vùng phía nam của tỉnh, vùng phía bắc tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi trồng trọt quy mô lớn, hiện đại; đồng thời xây dựng các mô hình gắn kết giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ, trong đó chú trọng phát triển mạnh hình thức sản xuất nông nghiệp trang trại. Sở cũng sẽ phối hợp với ngành liên quan kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và chuyển giao những mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=482
Quay lên trên