Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân

Cập nhật: 02-11-2016 | 09:09:17

Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị cao để phù hợp với giai đoạn tới. Để thực hiện hiệu quả định hướng này, Bình Dương đã và đang có những chính sách hỗ trợ đắc lực cho người nông dân (ND).

Nhiều mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết từ đầu năm đến hết tháng 9-2016, các cấp Hội ND trong tỉnh đã vận động phát triển Quỹ hỗ trợ ND số tiền trên 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 4.500 hộ ND vay vốn; nâng nguồn Quỹ hỗ trợ ND đến nay lên trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho hơn 23.000 hộ vay để phát triển kinh tế gia đình. Hội ND các cấp trong tỉnh còn tổ chức 475 lớp tập huấn kỹ thuật, 69 mô hình trồng trọt, 80 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình nuôi trồng thủy sản… giúp các hộ ND có thêm sự lựa chọn để giải quyết bài toán trồng cây gì, nuôi con gì nhằm thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu.


Bình Dương đang triển khai nhiều dự án trên lĩnh vực nông nghiệp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho người nông dân.
Trong ảnh: Ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) bên vườn cam đang mang lại hiệu quả cao của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Đến nay, Hội ND tỉnh đã xây dựng 90 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. ND trong tỉnh đã tiếp cận nhiều công nghệ và kỹ thuật mới như: Trồng trọt trong nhà lưới, nhà lưới hở; hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt và tưới phun sương tự động; chăn nuôi với hệ thống máng ăn, máng uống tư động... Có thể kể đến những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng bưởi da xanh, trồng ổi trong chậu, trồng rau thủy canh, nuôi chim yến, cá cảnh… Đặc biệt, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao của ND trong tỉnh đã được nhiều ND trong cả nước đến học hỏi.

Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu của ND trong tỉnh đã được Trung ương Hội ND đánh giá cao. Để làm được điều này, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tư vấn cho các hộ ND nên tập trung đầu tư vào một số vật nuôi, cây trồng nhất định. Mục đích là để hạn chế việc đầu tư dàn trải, trong điều kiện nguồn vốn của các hộ ND còn khiêm tốn.

Còn lắm thách thức

Hiện nay, có nhiều dự án, đề án đã và đang được Hội ND tỉnh triển khai xuống các hộ ND. Cụ thể như Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên Hội ND giai đoạn 2014-2016”; dự án “Nâng cao năng lực cho ND phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2014-2016”; đề án “Đối mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ ND giai đoạn 2016-2020”…

Ông Vinh cho biết thêm, Hội ND tỉnh đã đề xuất với Trung ương hạ mức lãi suất cho ND vay nguồn vốn Trung ương rót về từ 0,7%/tháng xuống còn 0,5%/tháng giúp ND có thêm điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, trang thiết bị… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đang làm cho Hội ND lo lắng chính là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, nông sản và sản xuất nông nghiệp của cả nước sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với những đối tác đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do đa phương, song phương với nước ta. Nếu người ND không thay đổi tư duy, cung cách sản xuất thì rất khó cạnh tranh với hàng nông sản từ các quốc gia có trình độ cao hơn.

Bình Dương đang định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và các dịch vụ liên quan. Chính vì thế, sự ra đời của các dự án, đề án nhằm từng bước giúp ND thay đổi tư duy, cung cách làm ăn mới. Từ đó không những trở thành một ND sản xuất giỏi, mà người ND trong tỉnh còn phải chủ động năng lực cạnh tranh trước làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng trong mọi lĩnh vực như hiện nay.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=533
Quay lên trên