TX.Dĩ An là địa phương có đông người lao động từ các nơi về làm việc, sinh sống, do đó nhu cầu về nhà ở, đất nền có diện tích nhỏ phục vụ cho đối tượng này luôn sôi động. Điều đó cũng đòi hỏi thị xã quản lý thật tốt việc phát triển, chỉnh trang các khu dân cư (KDC) trên địa bàn, hướng đến trở thành đô thị loại III.
Nhiều KDC có quy mô nhỏ
Tính đến tháng 10-2016, trên địa bàn TX.Dĩ An có 76 KDC, khu nhà ở với tổng diện tích 659,918 ha và trên 31.000 căn nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Bên cạnh những KDC, khu nhà ở được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TX.Dĩ An đã chấp thuận chủ trương 46 trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu phân lô bán nền được phép đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô lộ giới 1x5mx1 (thời điểm năm 2009-2010) và 2x6mx2 (thời điểm năm 2011-2012) đồng bộ hệ thống điện, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng… Lãnh đạo UBND TX.Dĩ An cho biết chủ trương này cơ bản đã phát huy tốt hiệu quả, hạ tầng được đầu tư tương đối bảo đảm quy chuẩn; thị xã quản lý được việc xây dựng, đồng thời khai thác được nguồn thu từ tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, còn người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ)… Nhờ đó góp phần giảm hẳn tình hình phân lô bán nền trái phép trên địa bàn.
Khu dân cư Đại Quang, phường Tân Bình, TX.Dĩ An Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng đất nền có diện tích nhỏ, phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp, trên địa bàn TX.Dĩ An vẫn còn tình trạng lén lút phân nền mua bán bằng giấy tờ viết tay và xây dựng trái phép. Số liệu thống kê từ năm 1999 đến 2012 cho thấy, trên địa bàn thị xã có 248 khu phân lô bán nền tự phát, tổng diện tích khoảng 85,4 ha với gần 12.000 lô. Sau khi đoàn kiểm tra của thị xã kiểm tra tình trạng tự mở đường đi để phân lô, bán nền (thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 732/UBND-KTN ngày 16-3- 2016) cho thấy, so với số liệu ban đầu thì cả 7 phường của thị xã đều có phát sinh tăng, giảm về số lượng và số khu dân cư tự phát không phù hợp quy hoạch.
Theo UBND TX.Dĩ An, nguyên nhân dẫn đến có sự phát sinh tăng, giảm về số lượng và số KDC không phù hợp quy hoạch là do công tác rà soát ban đầu của các phường cập nhật chưa sát; bên cạnh đó một phần do tâm lý ngại kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo phường. Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết theo số lượng thống kê, trên địa bàn phường có 128 KDC, nhưng sau khi phường rà soát lại phát sinh thêm 44 KDC. Các khu này phát sinh trước năm 2014, do vậy việc bổ sung của phường là do trước đây cập nhật chưa chính xác.
Các phường đang gặp khó!
Thời gian qua, hầu hết các vị trí đất tự phân lô trên địa bàn TX.Dĩ An chưa lập thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng; chủ yếu giao dịch bằng giấy tờ tay, không thông qua hợp đồng chuyển nhượng và một số ít có hợp đồng chuyển nhượng được địa phương xác nhận nhưng cũng đã biến động qua nhiều chủ, sau đó các hộ tự ý xây dựng nhà ở. Các khu vực này phần lớn xây dựng nhà ở không có giấy phép hoặc do chủ sử dụng đất đứng tên xin phép xây dựng và bán lại. Qua khảo sát cho thấy, toàn bộ công trình xây dựng trong các KDC này đều nằm sát mép đường với bề rộng phổ biến từ 4 - 5m, có tuyến chỉ rộng 2 - 3,5m, không có khoảng lùi xây dựng và cây xanh. Điều đáng nói, cơ sở hạ tầng ở đây chưa được đầu tư hoặc đầu tư nhưng không bảo đảm quy cách, chất lượng đã dẫn đến tình trạng ngập úng, thiếu điện - nước… gắn với những khó khăn khác liên quan đến thủ tục lập hộ khẩu, cấp số nhà…
Tại phường Tân Bình, hiện nay nhiều dự án KDC chưa được hoàn thiện về hạ tầng nên người dân cũng chưa được cấp GCN QSDĐ. Theo ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, dự án khu nhà ở do Công ty Chung Thành làm chủ đầu tư đã kéo dài rất lâu và nằm trong quy hoạch KDC Tân Bình 1/500 ha. Sau khi điều chỉnh, đến nay KDC Tân Bình có diện tích 7,8 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư khu này còn một số vướng mắc như theo quy hoạch chưa đạt; đến nay hạ tầng về thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng chưa hoàn thiện... Trong khi đó, đa số người dân xây dựng ổn định nhà ở tại KDC này từ 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ, còn chủ đầu tư chưa thực hiện theo quy hoạch và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. UBND phường kiến nghị tỉnh quan tâm, sớm làm việc với chủ đầu tư để hỗ trợ người dân nơi đây.
Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, cho biết thực hiện chỉnh trang các KDC theo Nghị quyết của Thị ủy đã đề ra là đến năm 2020 đạt 50% số lượng khu phân lô cần chỉnh trang, tức là năm 2020 phải thực hiện chỉnh trang, cấp GCN QSDĐ cho khoảng 110 khu, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các phường tiếp tục thông báo, tuyên truyền phổ biến chủ trương cho phép chỉnh trang và hướng dẫn những thủ tục cần thiết đến tận khu phố để người dân biết, thực hiện. UBND thị xã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép; đồng thời xử lý kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND phường nếu để phát sinh mới các trường hợp tự ý chừa đường để phân lô hoặc biến tướng từ nhà ở cho thuê để mua bán. UBND thị xã cũng chỉ đạo bố trí việc tiếp nhận, phân công cán bộ, nhân viên hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân tự nguyện đăng ký chỉnh trang nơi mình sinh sống.
Để xử lý dứt điểm các KDC, khu nhà ở chậm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đất đai, UBND TX.Dĩ An đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra. UBND thị xã cũng đã yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục để cấp GCN QSDĐ cho các hộ dân. Đối với các dự án đã thanh tra, UBND thị xã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan sớm có kết quả xử lý dứt điểm, làm cơ sở cấp GCN QSDĐ cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, cho biết: sau khi được phê duyệt quy hoạch, đa số chủ đầu tư các KDC, khu nhà ở trên địa bàn thị xã đều triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào khai thác sử dụng. Nhiều khu nhà ở có thiết kế kiểu mẫu đẹp, tạo điểm nhấn về kiến trúc cho đô thị Dĩ An hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều KDC, khu nhà ở trên địa bàn có quy mô nhỏ, đầu tư riêng lẻ, không theo hệ thống. Một số khu được phê duyệt và đầu tư trước năm 2010 hạ tầng còn sơ sài, chưa đạt chuẩn, chủ yếu mới được đầu tư các hạng mục chính như đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện sinh hoạt… rồi chủ đầu tư bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở. Các hạng mục khác như vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, trạm xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy… còn chậm được thực hiện, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đấu nối hạ tầng và quản lý hành chính.
PHƯƠNG LÊ