Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các địa phương đều tăng khiến cho CPI của cả nước tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Để góp phần hoàn thành kế hoạch kiềm chế đà tăng giá ở mức 5% do Quốc hội phê duyệt trong năm nay, tỉnh Bình Dương cùng với các địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.
Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính các loại nông sản của nhiều địa phương trong cả nước nhưng do thời tiết bất lợi kéo dài khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hại nặng. Trong khi đó, thị trường đang tiêu thụ mạnh mặt hàng này nên đã đẩy giá tăng cao. Anh Tỷ, tiểu thương quầy rau quả tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, những ngày qua nguồn cung rau Đà Lạt nhập về chợ sản lượng giảm mạnh, chủ yếu vì các nhà vườn bị ảnh hưởng nhiều đợt mưa kéo dài. Tại quầy hàng của anh, giá rau củ đã đồng loạt tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, tại các chợ Lái Thiêu, Bún, Phú Lợi… nhiều tiểu thương cũng không vui vì giá các loại rau củ về chợ tăng cao. Như giá cà chua tăng từ 15.000 lên 25.000 đồng/kg so với cách đây vài ngày, bí xanh tăng từ 15.000 lên 20.000 đồng/ kg, ớt xanh tăng từ 20.000 lên 40.000 đồng/kg...
Thời tiết bất lợi thời gian qua đã làm cho nguồn cung lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T HUỲNH
Theo số liệu của UBND tỉnh, CPI của tỉnh trong tháng 10 tăng 1,5% so tháng trước và tăng 3,9% so với tháng 12- 2015. Trong đó, giá hàng hóa tăng 1%; giá dịch vụ tăng 11,7% so với tháng 12-2015. Còn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 10 tháng năm 2016 của cả nước tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, CPI tháng 10 đạt mức cao nhất so với mức tăng cùng kỳ năm 2014 và 2015. Nguyên nhân làm CPI tăng nhanh là do nhóm thực phẩm vào mùa cưới tăng cao; giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung làm sản lượng rau xanh trên thị trường giảm. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng ở 15 địa phương trong cả nước. Ngoài ra, giá xăng, gas cũng nhiều lần điều chỉnh tăng là yếu tố đẩy CPI của cả nước tăng nhanh.
Như vậy, trong tháng 10, lạm phát chung của cả nước có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thực hiện kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt là lạm phát năm nay ở mức 5%. Vì vậy nhiệm vụ trong 2 tháng cuối năm là khá nặng nề, do đến hết tháng 10 chỉ số lạm phát đã đạt 4%.
Trước thực tế này, tại phiên họp thường kỳ tháng 10-2016 mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành công thương cần sớm ban hành và triển khai kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2017; đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các ngành thuế, hải quan cần tăng cường thu nợ đọng thuế; ngành ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp... Đây là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành phù hợp với diễn biến thị trường và góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.
TRÚC HUỲNH