Trong giai đoạn mới, để bước qua “cái bóng” của chính mình và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương xác định việc nâng cao vai trò, vị thế, sức cạnh tranh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề quan trọng và cần thiết.
Phương án phát triển các ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn kết với củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, phát triển bao trùm và bền vững với trụ cột công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chú trọng công nghiệp công nghệ cao… và góp phần đạt mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050 của đất nước.
Chủ động kiến tạo, phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các ngành kinh tế khác. Chủ động tham gia công cuộc tái cơ cấu ngành, tái tổ chức không gian phát triển tỉnh với chủ trương thu hút đầu tư chủ yếu vào khu, cụm công nghiệp (KCCN); hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nằm ngoài KCCN ở địa bàn phía Nam thực hiện chuyển đổi công năng, di dời vào KCCN.
Phương án phát triển các ngành công nghiệp cũng đưa ra phương án tái cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, định hướng tái cơ cấu công nghiệp tỉnh Bình Dương tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp gắn kết chặt chẽ với nâng cao hiệu quả các nguồn lực phát triển. Chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, điều chỉnh mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa trên số lượng sang chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Tập trung phát triển các ngành như điện - điện tử, cơ khí chế tạo, ngành hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng phát triển các cụm ngành gỗ - giấy - giường, dệt may - da giày và chế biến nông - thủy sản.
Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, khai thác và tận dụng tốt nhất các đặc điểm vị trí địa lý - kinh tế, kết cấu hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và xã hội. Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp với phát triển các ngành kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các mô hình KCCN xanh, bền vững, sinh thái. Phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao cùng với khu công nghệ cao và khu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các KCCN mới trên địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.
KHẢI ANH