- Trước tình hình cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung, bác sĩ có khuyến cáo gì nhằm giúp người dân hiểu và biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình?
- Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế trả lời rằng, đối với cá nhân và cộng đồng, có thể áp dụng các biện pháp sau để phòng tránh cúm A/H5N6:
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến và khi nấu ăn; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm và sau khi đi vệ sinh; che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho và hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm sống và khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; chỉ ăn thịt và các sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch và có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín; không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào (nửa sống nửa chín) và tiết canh; rửa vỏ trứng bằng nước sạch trước khi nấu và sau đó rửa tay bằng xà phòng.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:
Nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là qua tiếp xúc, giết mổ gia cầm sống bị nhiễm bệnh. Vì vậy, khi chăn nuôi ở hộ gia đình thì không nên nuôi gia cầm trong nhà; hạn chế số người trong gia đình tiếp xúc với gia cầm; cách ly trẻ em, phụ nữ có thai và người ốm khỏi gia cầm; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; khi làm việc ở nơi chăn nuôi gia cầm, quét dọn sân, vườn cần dùng khẩu trang; tiêu hủy chất thải gia cầm một cách an toàn xa nơi chăn nuôi và sinh hoạt; đốt hoặc chôn chất thải gia cầm sâu dưới đất để gà, chó, mèo không bới lên được; nên có giày, dép riêng khi làm việc ở nơi chăn nuôi và rửa sạch giày, dép bằng nước và xà phòng hàng ngày; phát hiện sớm và thông báo cho cán bộ thú y khi thấy gia cầm ốm và chết.
Cố gắng không giết mổ gia cầm tại nhà: Nếu phải giết mổ gia cầm tại nhà thì phải thực hiện các bước giết mổ gia cầm an toàn như: Đeo khẩu trang che mũi và miệng; đeo găng tay; cẩn thận để tránh tiếp xúc tối đa với chất thải, lông, máu và lòng, ruột gia cầm; rửa tay bằng xà phòng thật kỹ sau khi giết mổ gia cầm; cọ, rửa sạch nơi giết mổ gia cầm bằng nước xà phòng.
Thường xuyên tẩy uế chuồng trại nuôi gia cầm: Đặc biệt là chuồng trại nuôi gia cầm mắc dịch, phun thuốc cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình. Gia đình trong vùng dịch hoặc có người thân nhiễm bệnh cũng cần vệ sinh nhà cửa. Đồ dùng bệnh nhân phải được ngâm dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô.
Tăng cường sức khỏe: Cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Đến ngay cơ sở y tế khi có hiện tượng như sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở, đau cơ, đau đầu và mệt mỏi sau khi có tiếp xúc với gia cầm thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
CẨM LÝ