Xác định hạ tầng là thước đo quan trọng trong công tác thu hút đầu tư, Bình Dương đang nỗ lực từng ngày cải thiện hạ tầng giao thông các khu công nghiệp (KCN), tuyến đường tạo lực, đường kết nối liên vùng… để nâng điểm trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông
Trước đây, Bình Dương là một trong những tỉnh có hạ tầng giao thông kém phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy vậy, chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng và phát triển công nghiệp - đô thị, Bình Dương trở thành điểm sáng về phát triển hạ tầng giao thông. Điển hình nhất là việc tỉnh đã mạnh dạn phát triển tuyến đường giao thông huyết mạch Quốc lộ (QL) 13 là “xương sống” để phát triển công nghiệp - đô thị và dịch vụ toàn tỉnh. Từ chủ trương thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông tạo môi trường thu hút đầu tư, Bình Dương đã kiến tạo những con đường mang tính đột phá. Trong đó, đi đầu là QL.13 (đại lộ Bình Dương), tạo thuận lợi cho KCN Việt Nam - Singapore I và Khu công nghiệp Đồng An I (TX.Thuận An) thu hút đầu tư nhanh. Bên cạnh đó, hiệu quả rõ nét nhất mà QL.13 mang lại là góp phần hình thành và thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của tỉnh.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn là đường huyết mạch, tạo động lực để kinh tế của Bình Dương phát triển. Ảnh: XUÂN THI
Tại TX.Bến Cát, nơi có QL.13 đi qua, hiện đã hình thành nhiều KCN như Mỹ Phước, Bàu Bàng với quy mô bề thế, hiện đại. Tại TX.Tân Uyên, các đường như ĐT746, ĐT747B, ĐT742... đi qua đã góp phần đưa công nghiệp phát triển mạnh ở nông thôn. Tại đây, nhà máy của các công ty mọc lên ngày càng nhiều, nhất là ở các KCN Đất Cuốc và Nam Tân Uyên, góp phần đưa vùng kinh tế thuần nông như Tân Uyên trước đây trở thành vùng có công nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, hạ tầng giao thông của Bình Dương đang có dấu hiệu chững lại sau một thời gian dài trở thành thế mạnh trong mắt nhà đầu tư. Hạ tầng giao thông của Bình Dương so với các tỉnh lân cận không còn giữ được vị thế cao như cách đây 10 - 15 năm. Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị, các KCN… khiến cho QL.13 đi qua địa bàn tỉnh dần quá tải. Trong khi đó, sự góp mặt của tuyến cao tốc Long Thành - TP.Hồ Chí Minh cũng như cảng Thị Vải (Vũng Tàu) đang trở thành lợi thế lớn cho các tỉnh bạn. Nếu không nhanh chóng giải quyết được vấn đề này, việc thu hút đầu tư vào Bình Dương trong tương lai sẽ vấp phải những trở ngại không nhỏ.
Nhận thấy được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa IX cách đây hơn 5 năm đã xác định, trong nhiệm kỳ tiếp tục phát triển thêm nhiều tuyến đường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương kết nối vùng. Điển hình là việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng QL.13 đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 62km, quy mô đường cấp I, II, gồm 6 làn xe; nâng cấp, mở rộng toàn tuyến ĐT741 dài 49km, quy mô đường cấp I, II, gồm 6 làn xe. Đây là hai trục “xương sống” theo hướng Bắc - Nam của tỉnh, kết nối các KCN, đô thị phía nam với phía bắc của tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên, tuyến biên giới Campuchia. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh nhà đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các đường ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747… với quy mô đường cấp I, II, gồm 4 đến 6 làn xe.
Tiếp tục lấy hạ tầng làm điểm nhấn thu hút đầu tư
Sau thời gian tích cực triển khai thi công, tháng 10-2015, tỉnh Bình Dương đã khánh thành giai đoạn I đường Mỹ Phước - Tân Vạn (từ đường ĐT471 đến ngã sáu An Phú). Theo thông tin mới nhất, Bình Dương đang chạy đua với thời gian để hoàn thành tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn từ An Phú đi đến điểm nút giao thông Tân Vạn nhằm đáp ứng nhu cầu giải phóng hàng hóa ngày càng tăng của doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã khởi công nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 và khánh thành đường ĐT744 kết nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một với trung tâm huyện Dầu Tiếng. Cùng với đó, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng cũng vừa được khởi công xây dựng…
Không dừng lại ở đó, sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng để liên kết vùng, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X, tỉnh Bình Dương tiếp tục thông qua chủ trương phát triển theo hướng lấy hạ tầng làm điểm nhấn thu hút nhà đầu tư. Theo đó, phát triển giao thông phải đi trước một bước, là mũi nhọn đột phá quan trọng gắn với kết nối các trung tâm đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bình Dương sẽ huy động nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế tập trung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, tỉnh vận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, vốn đối ứng của các khoản vay nước ngoài, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia; tranh thủ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc viện trợ không hoàn lại của các nước, các tổ chức quốc tế đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương cũng đề ra phương hướng là tập trung nâng cấp các tuyến đường quốc gia, đầu tư xây dựng những tuyến đường chính đô thị, kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, KCN tập trung trên địa bàn; cùng với đó phát triển hệ thống đường cấp huyện, xã đồng bộ, kết nối với hệ thống đường đô thị và đường đối ngoại, vành đai. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống công trình phục vụ vận tải; phát triển mạnh giao thông công cộng chuẩn bị cho quá trình kết nối giao thông vùng TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là tuyến metro Suối Tiên TP.Hồ Chí Minh - Khu đô thị mới Bình Dương - Đồng Nai và tuyến xe buýt xung quanh TP.Thủ Dầu Một - khu đô thị mới - Suối Tiên TP.Hồ Chí Minh. Địa phương cũng chú trọng phát triển mạnh hệ thống giao thông đường thủy và vận tải đường thủy.
Cụ thể hóa cho nhiệm vụ nói trên, hiện nay Bình Dương đang tập trung thi công mở rộng nhiều tuyến đường tại các khu quy hoạch dự án; thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Tỉnh nhà cũng tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành hệ thống các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh nhận xét, việc đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến đường giao thông liên vùng, mang tính kết nối cao như QL.13 hay đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giúp Bình Dương nâng điểm trong mắt nhà đầu tư quốc tế đến với tỉnh. Qua đó, góp phần giúp tỉnh nhà thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh, đưa tỉnh nhà sớm trở thành một trong những đô thị văn minh, hiện đại và điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Những cây cầu mới được xây dựng như Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai đã góp phần cho tỉnh nhà kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai và QL.1. Trong khi đó, cầu Thới An và đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được xây dựng mới tạo thành các đường vành đai theo hướng Đông - Tây. Đặc biệt, trên cơ sở hướng tuyến quy hoạch của đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương đã chủ động huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng mới đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối Thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, công nghiệp của tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trục giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
MINH NGUYỄN