Truyền thông Ấn Độ cho biết, tính đến ngày 30/5, số người tử vong do nắng nóng ở nước này đã lên tới 2.207 người, khiến nắng nóng trở thành nguyên nhân gây chết người lớn thứ hai ở quốc gia Nam Á này sau lũ lụt.
Tình nguyện viên phát nước hoa quả miễn phí cho người đi đường nhằm giải nhiệt khi nắng nóng hoành hành tại Amritsar ngày 29/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giới chức Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết nhiệt độ tại thành phố Nagpur, bang miền Trung Maharashtra, trong ngày 30/5 đã lên mức kỷ lục 47,1 độ C. IMD dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới, đặc biệt khu vực miền Nam Ấn Độ, do đó, số người tử vong có thể tiếp tục tăng.
Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia (NCRB), số người tử vong do nắng nóng tại Ấn Độ trong năm 1998 đã lên tới 2.541 người và tỷ lệ người tử vong do nắng nóng đã tăng hơn 60% trong thập niên qua. Trong danh mục liệt kê 10 thảm họa tự nhiên gây chết người nhiều nhất trên thế giới thì có 4 thảm họa nắng nóng tại Ấn Độ vào các năm 1998, 2002, 2003 và 2015. Thực tế, số nạn nhân của nắng nóng tại Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2003.
Các chuyên gia cho rằng nắng nóng và lũ lụt là những thảm họa tự nhiên gây chết người nhiều nhất trong 10 năm qua, mà nguyên nhân do sự biến đổi khí hậu. Báo cáo của một Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 0,8 độ C trong thế kỷ vừa qua, nhưng các khu vực nhiệt đới tăng nhiều hơn, trong đó khu vực miền Nam Ấn Độ tăng khoảng từ 2-4 độ C.
Trong khi đó, IMD dự báo mùa mưa năm nay tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, sẽ muộn hơn thông lệ. Mùa mưa ở khu vực Tây-Nam, chiếm 4/5 lượng mưa của toàn Ấn Độ, nên rất quan trọng đối với hàng triệu nông dân và đối với nền kinh tế nước này. Thông thường, mùa mưa đến bang Kerala trước, sau đó sẽ di chuyển lên khu vực miền Trung và góp phần giảm nắng nóng trong khu vực. Nếu mùa mưa năm nay không thuận, nắng nóng sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến kinh tế./.
(Theo TTXVN)