Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và những lối hòa đàn ngẫu hứng” do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ am hiểu về ĐCTT trong nước và các đại biểu quốc tế. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình xây dựng hồ sơ quốc gia “nghệ thuật ĐCTT” để trình lên UNESCO xét duyệt, ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Nghệ thuật ĐCTT theo góc nhìn của các chuyên gia
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Quốc (ĐB tỉnh Bình Dương) cho biết, ĐCTT mang tính cộng đồng rất lớn, nó có thể được coi như cầu nối liên kết cộng đồng. Ông Quốc cho biết thêm: “Bình Dương không phải là cái nôi của ĐCTT nhưng những tình cảm người dân Bình Dương dành cho môn nghệ thuật này không kém bất kỳ nơi đâu. Hiện nay, các CLB ĐCTT trong tỉnh Bình Dương hoạt động rất mạnh và đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết. Nó gần gũi với cuộc sống lao động sản xuất của người dân. ĐCTT đã chuyển tải những giá trị thẩm mỹ, nâng cao cảm xúc làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Bình Dương nói riêng và người dân Nam bộ nói chung. Nó hướng họ đến với chân - thiện - mỹ”.
ĐCTT còn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ hết sức thú vị của các chuyên gia nước ngoài. Trong đó, tính ngẫu hứng được GS.TS Gisa Jaehnichen (ĐB Đức), GS.TS Tan Sooi Beng (ĐB Malaysia), Ông Trần Quang Hải (ĐB Pháp) đánh giá cao và xem nó như một nét “quyến rũ” nhất. GS.TS Sheen Dae-Cheol nói: “Khi trình diễn ĐCTT, khả năng ngẫu hứng một cách tự nhiên của người nghệ sĩ nhưng vẫn phải duy trì được tính toàn vẹn của bài bản âm nhạc tài tử là rất quan trọng. Raga của Ấn Độ, Pansori và Sanji của Hàn Quốc... nổi tiếng bởi tính ngẫu hứng. Nhiều khúc nhạc hay ra đời trong khi ngẫu hứng. Và những khúc nhạc mới của ĐCTT cũng làm phong phú cho âm nhạc truyền thống Việt Nam”. “Tính ngẫu hứng không chỉ có trong ĐCTT mà nó là bản chất của văn hóa dân gian, dẫn đến sự thống nhất trong đa dạng (từ lòng bản đến sáng tạo của người nghệ sĩ). Đây là một ưu điểm đặc biệt của ĐCTT để đưa vào hồ sơ trình UNESCO ghi danh ĐCTT vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại ” - GS.TS Tô Ngọc Thanh nói.
Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT: Cần có những giải pháp hữu hiệu
Theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu về ĐCTT để gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT quả là vấn đề nan giải. Trên thực tế những người có tâm huyết với dòng nghệ thuật này đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh.
GS Trần Văn Khê đơn ca bản Ngũ đối hạ trong phần giao lưu phục vụ Hội thảo qốc tế về ngệ thật ĐCTT
Ông Nguyễn Tánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để những người có tâm huyết với ĐCTT tiếp tục phát huy bản sắc và truyền dạy cho thế hệ trẻ, Nhà nước cần có những giải pháp thiết thực đối với người “giữ lửa”, đồng thời có những tác động tích cực để thu hút các đối tượng trẻ đến với nghệ thuật ĐCTT”. Ông Tánh cho biết thêm, để thu hút các bạn trẻ biết và đam mê ĐCTT, tại mỗi địa phương cần mở lớp dạy nghệ thuật ĐCTT miễn phí; tạo điều kiện, hỗ trợ trang thiết bị để các thành viên thuận lợi trong tổ chức sinh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng các CLB ĐCTT; thường xuyên tổ chức giao lưu để các CLB được trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đáp ứng những mong mỏi trên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết, sắp tới bộ sẽ xây dựng đề cương phát triển văn hóa cho đến năm 2020. Theo đó sẽ quy định đưa Văn hóa Dân gian vào trong trường học, từ bậc tiểu học nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm về giá trị của Văn hóa Dân gian Việt Nam thông qua các loại hình diễn xướng, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong từng em. Qua đó, các em sẽ tự giác hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
THIÊN LÝ