Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học (ĐH) năm 2013-2014. Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo tương ứng với vị trí, vai trò, năng lực, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo trước xã hội về hoạt động của mình. Nét mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án, không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển.
Công bố dự thảo vể tự chủ tuyển sinh
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ áp dụng cho năm 2014 xin ý kiến rộng rãi trong toàn ngành và xã hội. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết: “Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Tinh thần chung sẽ tạo ra một cơ chế rất mở, tạo thuận lợi nhất cho các nhà trường và thí sinh”.
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 tại trường ĐH Thủ Dầu Một
Một trong những khó khăn đối với các trường khi tuyển sinh riêng là việc ra đề. Đây cũng chính là nguyên nhân hầu hết trường công lập vẫn muốn tuyển sinh với phương thức “3 chung”. Tuy nhiên, khi đã chính thức tổ chức thi riêng, ra đề sẽ phải là công việc của trường - đó là khẳng định của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
Các yêu cầu đối với các trường tuyển sinh riêng
Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nêu rõ 5 yêu cầu đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Đó là:
Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi;
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch;
Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh riêng theo quy định;
Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
3 phương án tuyển sinh
Trong đó, đối với các trường lựa chọn phương thức thi tuyển, cần làm rõ việc xác định môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; lực lượng giáo viên ra đề thi, chấm thi đối với từng môn thi cụ thể; lực lượng giáo viên coi thi; điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển và công tác thanh tra, giám sát kỳ thi.
Đối với các trường lựa chọn phương thức xét tuyển, cần làm rõ môn xét tuyển, hình thức xét tuyển; căn cứ để xét tuyển và độ tin cậy, tính khách quan; nguyên tắc xét tuyển; phương pháp xét tuyển; điều kiện bảo đảm chất lượng nguồn tuyển; lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển và công tác thanh tra, giám sát xét tuyển.
Nếu lựa chọn phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, các trường cần làm rõ môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi, lực lượng giáo viên ra đề thi, chấm thi đối với từng môn cụ thể; lực lượng giáo viên coi thi, công tác thanh tra, giám sát thi tuyển (đối với thi tuyển); môn xét tuyển, hình thức xét tuyển, căn cứ và nguyên tắc xét tuyển, phương pháp xét tuyển, lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển, công tác thanh tra, giám sát xét tuyển (đối với xét tuyển).
Bổ sung thêm các hình thức kiểm tra
Ngoài 3 phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu…
Với các hình thức kiểm tra bổ sung này, các trường cần làm rõ: tiêu chí, điều kiện, nguyên tắc, nội dung, cách thức, các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất... để bảo đảm tính khả thi của phương án, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án tuyển sinh
Nhấn mạnh những điểm đáng lưu ý tại dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết mỗi trường được lựa chọn 1 trong 3 phương án tuyển sinh.
Theo đó, với những trường có đủ điều kiện sẽ thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD-ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Nếu chưa có đủ điều kiện tuyển sinh riêng, trường có thể tham gia kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với kỳ thi này, thứ trưởng lưu ý: Đây là việc bộ giúp các trường chứ hoàn toàn không bắt buộc.
Điểm mới đáng lưu ý nhất, cũng là phương án thứ 3 các trường có thể lựa chọn, đó là thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD-ĐT xác nhận là đáp ứng các yêu cầu theo quy định để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó. Với phương án trên, sau này có thể hình thành những nhóm “3 chung” mà các trường cùng nhóm sẽ có thể sử dụng chung kết quả thi. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác.
Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành; những khoa, ngành tuyển sinh riêng thì không sử dụng kết quả kỳ thi “3 chung” cũng là một quy định rất “mở”, một điểm mới đáng lưu ý tại dự thảo.
Về thời điểm tổ chức thi, các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định. Các trường tùy điều kiện chọn đợt thi cho phù hợp.
NGỌC THANH (tổng hợp)