Truyền nghề cho người khuyết tật: Gian nan vẫn không nản

Cập nhật: 18-12-2013 | 00:00:00

Trung tâm dạy nghề người tàn tật Bình Dương là nơi giúp người khuyết tật (NKT) có điều kiện học văn hóa, học nghề, hướng nghiệp để có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Trung tâm (TT) thật sự là “mái nhà chung” cưu mang, nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ cho bao mảnh đời bất hạnh.

 Cái “tâm” người đưa đò

Đến với TT dạy nghề cho NKT tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn tình cảm, lòng nhiệt huyết dành cho học trò của các thầy cô nơi đây. TT đang dạy nghề cho 87 học viên (HV), đào tạo 6 nghề chính, gồm: May, dệt, in lụa, tin học, điện cơ, điện tử. Do các em là NKT nên cách thức truyền kiến thức rất khác so với HV bình thường. Cô Nguyễn Thị Lài, giáo viên lớp dệt chia sẻ: “Lớp dệt có 27 em, hầu hết là các em thiểu năng trí tuệ nên việc tiếp thu của các em rất chậm, việc dạy cho các em trong thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng nhận lại những cái lắc đầu không hiểu, không nhớ của các em. Tuy nhiên, càng gắn bó với các em, tôi càng yêu và cố gắng đem kiến thức mình có truyền đạt lại để các em hiểu”.

Dạy học một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy học cho trẻ khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Nhất là trong thời gian đầu khi HV mới vào, chưa quen với việc học nghề, việc bị ép buộc học tập. Cô Nguyễn Thị Lợi, giáo viên lớp may, người gắn bó với TT từ khi thành lập, chia sẻ: “Khi mới vào đây các em đều rất bướng, không nghe lời thầy cô, hay làm theo ý thích của mình. Do đó, để dạy được các em, bản thân tôi phải luôn nhẹ nhàng, tỉ mỉ, đặc biệt phải có “chiêu” thuyết phục thì các em mới nghe”.

Truyền nghề trong một môi trường đặc biệt như vậy, đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, đầu tư công sức, lòng yêu nghề. Những thầy cô nơi đây dành cho các HV một tình cảm đặc biệt, tình cảm đó xuất phát từ lòng yêu nghề, cái tâm đối với những mảnh đời bất hạnh. Cụ thể như cô Nguyễn Thị Lài rời Công ty Viễn thông Viettel để đến với trường, hay cô Nguyễn Thị Lợi người gắn bó với TT từ lúc mới mở trong khi ở nhà đã có xưởng may riêng... Với đồng lương ít ỏi, gần 3 triệu đồng/người/tháng, nhưng hàng ngày các thầy cô vẫn cần mẫn chỉ dạy nhẹ nhàng từng bước mong sao cho HV hiểu và làm theo tốt những gì mà mình đã học. Cô Nguyễn Thị Lợi tâm sự: “Nhìn thấy các em như vậy mình không nỡ từ bỏ. Đặc biệt, các em khuyết tật rất ngại gặp người lạ, thầy cô mới nên việc thay giáo viên giảng dạy cũng gây cho các em cảm giác bất an, không hòa nhịp. Do đó, tôi không thể bỏ các em giữa chừng. Bên cạnh đó, khi nhìn nụ cười ngây thơ, cùng những sản phẩm các em hoàn thành thấy lòng mình vui và yêu các em hơn”.

Trăn trở đầu ra cho sản phẩm

Hiện nay, các sản phẩm dệt, may do các em làm ra chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đến thăm TT ủng hộ. Số lượng tiêu thụ sản phẩm rất ít nên hàng tồn kho nhiều. Mặc dù ban lãnh đạo TT đã cố gắng liên hệ tìm đầu ra nhưng gặp nhiều khó khăn. Bà Đặng Thị Minh Thu, Phó Giám đốc TT, cho biết mặt hàng các em làm ra đẹp nhưng lại không có đầu ra. Nhiều khách hàng không tin tưởng và có sự phân biệt nên để ký hợp đồng cung cấp sản phẩm rất khó. Vì vậy, hoàn thành xong khóa học, tay nghề các em đã được nâng cao nhưng không có cơ hội phát huy. Đa phần các em sau khi được đào tạo nghề trở về phụ giúp gia đình, những em có điều kiện hơn thì mở tiệm tại nhà, một số ít được nhận vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp. Do đó NKT mất đi những cơ hội để có việc làm phù hợp, tự nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Trước trăn trở đó, hiện nay ban lãnh đạo, các thầy cô TT đang cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm cùng với giúp các HV tìm được một công việc phù hợp, sau khi hoàn thành xong khóa học. Từ đó, để HV có thể tự nuôi sống được bản thân và xóa đi mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên làm được điều đó cần lắm sự chung tay góp sức của toàn xã hội cho họ một con đường tự lập, ổn định. Hãy chấp nhận họ và cho họ một cơ hội như những người bình thường khác khi họ có thể. Như câu nói của Nick Vujicic: “Không có gì là không thể giữa cuộc đời này”.

Từ Trung tâm dạy nghề người tàn tật tỉnh, nhiều HV đã có nghề nghiệp, tự tạo được thu nhập cho bản thân. Nhiều HV đã khẳng định được thành công trên đường đời. Điển hình như cặp đôi HV bị liệt cả hai chân là Nguyễn Văn Thiện, Võ Thị Kim Ngân HV khóa 1, 2 ở Mỹ Phước (Bến Cát). Hai bạn đã mở được tiệm may và có một bé gái, cuộc sống ổn định.

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên
X