So với nhiều năm trước, ngành y tế Bình Dương nay đã có sự phát triển nhiều mặt. Điều đáng ghi nhận là các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại và chú trọng đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân…
Ứng dụng kỹ thuật hiện đại
Theo Sở Y tế, hiện nay, các đơn vị trong ngành từ tỉnh đến trạm y tế cơ bản đều được đầu tư trang thiết bị y tế theo quy định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị tiếp tục đầu tư bổ sung, thay thế, nâng cấp trang thiết bị như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế TX.Bến Cát...
Bác sĩ (BS) Văn Quang Tân, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816, hàng năm, BVĐK tỉnh đều tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên phục vụ công tác KCB, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại bệnh viện. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da từ Bệnh viện Đại học (ĐH) Y dược TP.Hồ Chí Minh; kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm từ Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh; khảo sát kỹ thuật lọc máu liên tục và hóa trị ung thư từ Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh; chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống và nắn trượt cột sống thắt lưng, phẫu thuật gãy cột sống thắt lưng phức tạp có tổn thương thần kinh từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh...
Một ca phẫu thuật hở hàm ếch tại BVĐK tỉnh với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc. Ảnh: C.LÝ
Một trong những kỹ thuật hiện đại được BVĐK tỉnh triển khai áp dụng thành công trong thời gian qua là phương pháp can thiệp mạch vành. Trước đây, khoa Tim mạch BVĐK tỉnh chủ yếu khám bệnh về tim mạch thông thường, nhưng khoảng 2 năm nay, khoa đã áp dụng thành công phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành. Từ ngày triển khai đến nay, ê kíp mạch vành của BVĐK tỉnh đã cấp cứu kịp thời, cứu sống hàng trăm ca bệnh trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. BS Văn Quang Tân bày tỏ sự phấn khởi khi bệnh viện áp dụng thành công phương pháp này, bởi nhờ đó nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời mà không phải chuyển lên tuyến trên như trước đây. Điều đáng ghi nhận là ngoài cấp cứu thành công, hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc có thể dẫn đến với nhiều bệnh nhân, việc áp dụng phương pháp này tại BVĐK tỉnh còn góp phần tiết kiệm viện phí, chi phí đi lại, thời gian... cho nhiều bệnh nhân bị mạch vành trên địa bàn tỉnh.
Sau rất nhiều năm “chung sống” trong một cơ sở chật chội, xuống cấp, cách đây không lâu, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa mới khu bệnh nội trú, khám và điều trị ngoại trú. BS Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc trung tâm cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trung tâm cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS. Cụ thể, trung tâm đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại về siêu âm, chẩn đoán và triển khai kỹ thuât mới để người dân tiếp cận như: xét nghiệm sàng lọc sơ sinh phát hiện dị tật trước sinh và sau sinh cho trẻ, siêu âm chẩn đoán tiền sản, kỹ thuật lọc rửa và bơm tinh trùng trong điều trị vô sinh…
Quan tâm đào tạo nhân lực
Bình Dương là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực cũng như thực hiện xã hội hóa về y tế. Do đó, mạng lưới y tế ngoài công lập rất phát triển, góp phần quan trọng cùng hệ thống y tế công thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của BS Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế thì nhân lực ngành y tế của tỉnh hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu hoạt động của ngành, đặc biệt là thiếu bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao và sâu.
Để giải quyết vấn đề nhân lực cho ngành y tế, hàng năm tỉnh đều đăng ký chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ tại các trường như ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh, ĐH Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược Cần Thơ. Trong 5 năm (từ 2009-2014), tỉnh đã cử đi đào tạo hệ chính quy 94 người, trong đó có 81 BS, 7 dược sĩ, 6 cử nhân y tế. Ngoài ra, từ năm 2011-2014, tỉnh còn cử đi đào tạo hệ liên thông 244 người, trong đó 148 BS, 25 dược sĩ, 64 cử nhân y và 7 cử nhân khác.
Tiếp tục thực hiện “Đề án bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2015, ngành y tế đã đăng ký với UBND tỉnh kế hoạch đào tạo nhân lực tại các trường ĐH y dược, với 235 chỉ tiêu. Ngoài ra, ngành còn ký kết hợp đồng trách nhiệm với 21 sinh viên trúng tuyển chính thức và đào tạo theo địa chỉ sử dụng năm 2014; thỏa thuận dự thi sau ĐH với 21 viên chức; phối hợp Viện Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh mở một lớp đào tạo quản lý bệnh viện cho 65 cán bộ công chức viên chức; tiếp nhận và phân công công tác cho 9 sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng...
Song song với việc đào tạo trong nước, một số cán bộ còn được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Mặc dù còn khó khăn nhưng đội ngũ cán bộy tế tỉnh nhà luôn được quan tâm đào tạo và có điều kiện phát triển trong một môi trường làm việc tiến bộ. Từ đó, chất lượng y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Tính đến tháng 6 năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 BVĐK, 9 trung tâm y tế huyện, 17 phòng khám đa khoa, 91 trạm y tế và khoảng 2.000 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập, 42 phòng khám đa khoa tư nhân, 321 phòng khám chuyên khoa, 109 phòng chẩn trịy học cổ truyền. Toàn ngành có 6.554 cán bộ y tế, trong đó y tế công lập có 3.808 người; y tế ngoài công lập có1.467 người; y tế ngành cao su và lực lượng vũ trang 586 người; y tế xí nghiệp, doanh nghiệp 693 người. Tỷ lệ cán bộ y tế/10.000 dân là 33,87; trong đó tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 6,4...