Ngân hàng, doanh nghiệp và bài toán lãi suất, tồn kho

Cập nhật: 10-04-2013 | 00:00:00

Lãi suất ở mức nào thì doanh nghiệp (DN) mới duy trì được hoạt động cũng như tạo được lợi thế cạnh tranh? Trần lãi suất được đưa về 7,5% nhưng xu hướng lãi suất cho vay có giảm hay không và nếu giảm thì sẽ xuống tới mức nào? Nắn dòng vốn vào phân khúc nhà ở xã hội thông qua việc thực hiện gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình vay vốn ưu đãi mua nhà nhằm kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), giải quyết bài toán hàng tồn kho cho lĩnh vực này liệu có tạo đà để xử lý hàng tồn kho cho cả nền kinh tế…?

Bao giờ lãi suất dưới 10%?!

Với các DN yếu đang “chết lâm sàng” bởi “bệnh tồn kho”, câu chuyện lãi suất có vẻ như đang được xếp vào thứ yếu bởi vấn đề lúc này của họ là tính thanh khoản tài sản. Mặt khác, lãi suất có hấp dẫn đến mấy, các DN này chắc gì đủ điều kiện để vay (?). Nhưng với các DN “ khỏe mạnh” vẫn duy trì, mở rộng được hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình hiện nay, câu chuyện lãi suất vẫn là vấn đề gây… “sốt”! Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan Nguyễn Tân Kỷ, cho biết Masan chuyên về sản xuất hàng tiêu dùng, trong bối cảnh hiện nay tuy DN cũng có khó khăn nhưng không đến nỗi nặng nề như các DN khác. Cái khó của Masan là phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, có tiềm lực tài chính rất mạnh mẽ. Không những thế, các tập đoàn này mang dòng vốn đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với mức lãi suất đi vay của DN trong nước hiện nay. Điều này làm cho Masan cũng như các DN nội khác rất khó cạnh tranh với các công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ nước ngoài. “Không phải ngẫu nhiên mà họ, những tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam ở một số lĩnh vực hàng tiêu dùng đang chiếm tới 70 - 80% thị trường nội địa…”, ông Kỷ nói đồng thời khuyến nghị: “Để giúp DN có thể cạnh tranh tốt hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi suất đối với các DN làm ăn hiệu quả, doanh số tăng trưởng tốt và nộp thuế đầy đủ…”.  

 Thực hiện gói tín dụng cho vay ưu đãi với người thu nhập thấp mua NƠXH cần phải xác định đúng đối tượng. Trong ảnh: Khu nhà ở an sinh xã hội Việt - Sing (TX.Thuận An) do Becamex IDC

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh tính toán: “Hiện nay, nếu một DN vay vốn ngân hàng sản xuất - kinh doanh chỉ có thể duy trì được hoạt động nếu lãi suất được đưa về ở mức 10%. Còn ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam nhận định, lãi suất cho vay hiện tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. “Trong tình hình sản xuất thuận lợi và tiềm năng của ngành giày da, nếu ngành này được vay khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng/năm với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thì chỉ cần 5 năm sau, ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép sẽ phát triển rất tốt…”, ông Thuấn nói chắc nịch.

Phân tích nguồn cơn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ ra rằng, lãi suất cao hiện nay cũng một phần “lỗi” từ DN. Trước đây, DN vay quá nhiều, đầu tư lại không hiệu quả góp phần tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát gia tăng, lãi suất phải tăng theo. “Một điều đơn giản là khi lạm phát cao, người dân không thể gửi tiền vào hệ thống ngân hàng với lãi suất thấp vì lãi suất tiền gửi với người dân phải là thực dương. Vì vậy, đầu huy động vào cao thì đầu ra cho vay cao là điều dễ hiểu…”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, hiện nay, NHNN đã đưa trần lãi suất về 7,5%; lãi suất cho vay chỉ dao động trên dưới 10%/ năm. Tại Bình Dương, theo con số thông kê, lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ ở mức 11%; sản xuất dưới 15%. Nếu so với thời điểm lãi suất ở mức 18 - 20%, mức lãi suất hiện đã giảm khá nhiều. Đây là kết quả của hàng loạt các chính sách vĩ mô mà Chính phủ đã thực hiện. Để lãi suất có thể tiếp tục giảm sâu hơn thì phải cần các cân đối vĩ mô ổn định lại. Nếu lạm phát xuống mức 7%, lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%. Nếu lạm phát được đưa xuống ở mức 5%, chắc chắn lãi suất khi đó sẽ xuống mức kỳ vọng ở một con số.

Cần tạo ra một “xung lực”

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, NHNN đang chuẩn bị thực hiện gói tín dụng hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp mua nhà ở xã hội (NƠXH) nhằm góp phần giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), qua đó tạo một “xung lực” để góp phần kích cầu, giải quyết bài toán hàng tồn kho nói chung. Hiện NHNN đã chuẩn bị một gói hỗ trợ từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để sẵn sàng tung ra khi nghị định về lĩnh vực này được Chính phủ ban hành. Tuy vậy, điều này liệu có dễ dàng thực hiện? 

Với các DN đang mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, lãi suất vẫn đang là chủ đề gây… “sốt

 Thực tế, khái niệm về NƠXH hiện nay được hiểu một cách tùy hứng, mỗi địa phương hiểu một kiểu. Có nơi quy định diện tích căn nhà thu nhập thấp dưới 70m2 nhưng 40m2 cũng là nhà thu nhập thấp. Có nơi quy định giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng ở tỉnh lẻ chỉ cần 2 triệu đồng là người dân mua được 1m2 đất chứ chưa nói đến mua nhà! Vì vậy, đâu là quy chuẩn của NƠXH cũng phải bàn bạc, tính toán để định danh cho chính xác, từ đó hướng dẫn cho người có nhu cầu mua loại nhà này vay vốn. Mặt khác, việc xác định được đúng đối tượng vay mua NƠXH cũng không hề dễ dàng. Bởi nói thu nhập trung bình thì ai cũng hiểu nhưng khi vận dụng vào để thực hiện cho vay thì lại không biết đường nào mà xác định. Nếu là các đối tượng cán bộ, công nhân viên thì dễ xác định nhưng với những người dân lao động khác thì xác định thế nào? Một người dân có mức thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức thuế trung bình có nằm trong diện người có thu nhập trung bình để vay vốn mua nhà hay không? Điều này tương tự với khái niệm người có thu nhập thấp, việc xác định cho đúng đối tượng cũng rất khó khăn. Đấy là chưa nói đến việc NƠXH chủ yếu hướng vào các chung cư nhưng chung cư thường tập trung ở trung tâm lớn, rất ít các địa phương tỉnh lẻ có những chung cư… Thêm vào đó, một câu hỏi được đặt ra là người thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở thành phố được hỗ trợ vay vốn ưu đãi mua NƠXH, ở nông thôn thì các đối tượng này có được hỗ trợ để vay mua nhà hay không?

Vì vậy, việc nắn dòng vốn vào phân khúc thị trường BĐS nhà thu nhập thấp nhằm kích cầu, góp phần giải quyết những khó khăn cho thị trường này cũng còn phải tính toán kỹ lưỡng, rõ ràng, chính xác đến từng chi tiết thì mới mong mang lại tác dụng. Còn nếu trong trường hợp dòng vốn từ gói hỗ trợ này không đến được đúng đối tượng cần mua nhà hoặc chảy sang phân khúc BĐS không phải là NƠXH thì sẽ không tạo ra được xung lực nào mà thậm chí còn gây phản tác dụng.

 “Đã vay mua nhà thì cũng giống như hình thức mua trả góp. Vì thế, cơ cấu về thời gian của gói vay cũng phải hợp lý để người dân có thể trả góp được. Về lãi suất cũng thế, với mức lãi suất như hiện nay, người dân thu nhập thấp, thu nhập trung bình khó mà dám đi vay để mua nhà. Lãi suất cho vay phải ở mức khoảng 6%/năm thì người thu nhập trung bình mới chấp nhận được và đối với người nghèo thì thậm chí còn phải ở dưới mức 6%”

(Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH)

 

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=498
Quay lên trên