Trải qua 41 năm (1975- 2016) hình thành và phát triển, ngành công thương tỉnh Bình Dương đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Nỗ lực vượt khó
Sở Công thương Bình Dương (Sông Bé trước đây) được thành lập năm 1975. Qua từng thời kỳ, các thế hệ của ngành công thương tỉnh nhà luôn thừa kế và phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; cùng với đó là sự đoàn kết, nhất trí cao từ lãnh đạo đến nhân viên… góp phần đưa ngành công thương tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.
41 năm qua, cơ cấu sản xuất của ngành công thương tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh, từ khai thác tiêu thụ nguyên liệu thô sang chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) được nâng cao; nhiều cơ sở sản xuất ổn định và đứng vững trong cơ chế thị trường, nhiều sản phẩm của ngành đã chiếm lĩnh thị phần và tạo được uy tín trong và ngoài nước. Đối với các ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ… cũng từng bước được khôi phục và phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Riêng giai đoạn 2011- 2015, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành được thực hiện theo đúng định hướng đã đề ra. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt được những kết quả khả quan, như tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đến nay đạt 99,97%...
Đặc biệt, trong điều kiện thị trường luôn biến động và tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn, nhưng với chức năng của mình, ngành công thương đã làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh có hiệu quả với tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.HỒNG
Dấu ấn hạ tầng thương mại
Trong các cuộc họp bàn về phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TMDV) của tỉnh thời gian qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá cùng với các sở, ngành, hạ tầng thương mại của tỉnh được ngành công thương chú trọng xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhờ đó đã hình thành hệ thống hạ tầng thương mại khá tốt. Đó là hệ thống từ chợ nông thôn đến siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp và phát triển. Hoạt động TMDV trên địa bàn ngày càng phong phú, đa dạng, cung cấp đủ mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; các hình thức mua bán hiện đại như ST, TTTM ngày càng phát triển...
Đến nay, trên địa bàn của tỉnh đã có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thương mại với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; hệ thống chợ, ST, TTTM cũng đã được đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 105 chợ, 11 ST và 5 TTTM. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước như Lotte, Aeon Mall, Co.opMart... đang tác động tích cực, kích cầu tiêu dùng xã hội và tạo thuận lợi cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Đối với những hoạt động khác của ngành công thương như bình ổn thị trường cũng luôn được lãnh đạo tỉnh và ngành công thương coi trọng. Riêng trong năm 2015, hệ thống phân phối hàng hóa bình ổn, đặc biệt công tác bán hàng lưu động, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, được trải rộng khắp địa bàn huyện, thị trong tỉnh... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn...
Bà Nguyễn Thị Điền, nguyên Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các hiệp hội ngành hàng và DN đầu tư trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được ngành công thương tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề chuyên sâu mang tính chất đặc thù. Trong xu thế hội nhập và mở rộng quan hệ thương mại hiện nay, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng DN là việc làm cụ thể, cần thiết góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Theo Sở Công thương, trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành; đồng thời tập trung thực tốt công tác nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... Có thể nói quá trình phát triển của ngành công thương tỉnh nhà không tránh khỏi những hạn chế, song ngành vẫn có thể tự hào với những gì đã và đang làm được. Điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành công thương cùng góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Để ghi nhận những đóng góp của ngành công thương Việt Nam, ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 là ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam.
THANH HỒNG