Ngành công thương nỗ lực vượt khó, phấn đấu vì mục tiêu phát triển

Cập nhật: 18-01-2021 | 09:56:06

Trải qua một năm 2020 với nhiều khó khăn, thử thách, song bằng nỗ lực không ngừng, ngành công thương đã khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm, hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.


Lãnh đạo Sở Công thương khảo sát, nắm bắt hoạt động sản xuất của DN trong mùa dịch bệnh

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh, nhằm bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sở đã chủ động xây dựng phương án, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp (DN) có kế hoạch ứng phó với diễn biến thị trường. Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó với thời điểm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức thực hiện tốt.

Sở Công thương cũng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các DN phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến. Sở Công thương khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, chung tay phòng, chống dịch bệnh, không nên mua tích trữ, thay đổi thói quen từ mua trực tiếp qua mua online hoặc qua điện thoại để hạn chế tới nơi đông người, tránh sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng. Trong năm, giá cả hầu hết các nhóm hàng cơ bản ổn định, ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,21%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 252.889 tỷ đồng, tăng 12,3% .

Việc bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá bán các sản phẩm y tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang là một trong những nội dung quan trọng được ngành công thương đặc biệt quan tâm. Nhạy bén thông tin thị trường, linh hoạt trong điều hành, đoàn công tác của ngành công thương đã khẩn trương làm việc với các DN dệt may, sản xuất thiết bị y tế để tích cực hỗ trợ tìm nguồn cung vải kháng khuẩn và các vật tư khác. Nhiều DN nhanh chóng nâng quy mô sản xuất và cam kết cung cấp với giá bình ổn, bảo đảm nguồn cung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu người dân. Ngành cũng đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó với những cấp độ khác nhau của dịch bệnh và đã kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn, như Big C, Sai gon Co.op, MM Mega Market, VinMart, Aeon… để bảo đảm cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng cần cho phòng, chống dịch bệnh.

Trong năm 2020, nhằm chủ động theo dõi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sở đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các hiệp hội và DN. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai, hướng dẫn các thủ tục để tiếp cận các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ cho người lao động… Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đã tạo ra đòn bẩy để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn. Đến nay, các DN sản xuất, xuất khẩu của tỉnh đã có sự phục hồi tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 27,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,5%. Thặng dư thương mại của tỉnh năm 2020 đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ.

Chủ động trong tình hình mới

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Công thương, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng phương án phát triển ngành công thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Tiếp tục triển khai tốt các quy hoạch, đề án, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng”; Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương”; Đề án “Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đến kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương”.

Ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Tổ chức nắm tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 tại các hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2021, ngành sẽ nỗ lực triển khai tốt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường công tác dự báo diễn biến thị trường, giá cả, cung cấp thông tin, kịp thời báo cáo tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời. Tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics. Thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Thực hiện tốt “mục tiêu kép” sẽ tạo ra môi trường đầu tư an toàn để DN an tâm quay trở lại thị trường, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm 2021, Bình Dương phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với cùng kỳ.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=321
Quay lên trên