Ngành gỗ chủ động tìm hướng phát triển

Cập nhật: 20-04-2020 | 07:57:18

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến nhằm lựa chọn phương án tồn tại và phát triển, đề ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Sản xuất gỗ tại Công ty Liên Thanh, TX.Bến Cát

 Thực tế khó khăn

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD, riêng ngành gỗ Bình Dương năm 2019 chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại tất cả các thị trường quan trọng khiến DN gỗ Bình Dương gặp không ít khó khăn.

Hiện Mỹ và EU đang áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch bệnh lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Các DN trong ngành liên tục nhận được thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán, thậm chí là hủy đơn hàng. Các DN cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản. Đến lúc này, việc hủy bỏ hoặc dừng đơn hàng cũng tiếp tục thấy ở các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành xuất khẩu dăm gỗ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khi Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dăm gỗ nhiều nhất từ Việt Nam, đã cắt giảm lượng xuất nhập khẩu đến 35%.

“Đến hiện tại toàn bộ thị trường lớn đã dần đóng băng, Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn. Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc còn rải rác, Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường. Trong bối cảnh này giảm lao động là tất nhiên đối với toàn bộ DN ngành gỗ”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX.Tân Uyên), cho biết trước khi dịch bệnh xảy ra, công ty sử dụng 1.000 lao động để làm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU với lượng xuất khẩu 150 container bình quân mỗi tháng, kim ngạch khoảng 32 triệu USD/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và nguồn tài chính đầu vào không còn, công ty đã phải giảm 300 lao động vào cuối tháng 3 và giảm tiếp thêm 300 lao động vào đầu tháng 4. Lượng lao động hiện còn lại chỉ là 400. Để duy trì sản xuất công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi vừa cần nguồn tiền lo cho người lao động nghỉ việc và lo cho những lao động còn lại, đồng thời phải trả lãi vay ngân hàng và thanh toán các khoản tín dụng đáo hạn với ngân hàng. Trình trạng tương tự cũng thấy ở hàng loạt các công ty khác.

Không cam chịu và thụ động, cộng đồng DN nói chung, DN ngành gỗ nói riêng đang hết sức nỗ lực, cố gắng duy trì phần nào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một mặt để giảm thiểu các tác động của dịch bệnh tới hoạt động của DN, đồng thời đối diện với khó khăn để tìm hướng giải quyết khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành. Trong tháng 3 vừa qua, cộng đồng DN gỗ Bình Dương cũng trực tiếp làm việc, kiến nghị, gửi đi nhiều văn bản tới Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm kêu gọi sự trợ giúp giảm thiểu tác động của đại dịch tới DN. BIFA cũng đã có công văn đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đề nghị các bộ ngành hoãn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN tới khi hết dịch bệnh. Điều này cho thấy hiệp hội gỗ đã rất nỗ lực và tích cực trong công tác vận động chính sách, nhằm tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ về tài khóa, tín dụng thương mại, hỗ trợ người lao động.

Nỗ lực duy trì sản xuất

Ông Điền Quang Hiệp thẳng thắn thừa nhận: “Trong bối cảnh này DN chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi, DN có thể tăng tốc trở lại. Hai là đóng cửa và phá sản. Tất nhiên chẳng DN nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, thành thử DN nào cũng phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại thôi”. Hiện trong cộng đồng DN bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị để quay trở lại sau dịch bệnh.

Hiện nay, sự đứt gãy trong các chuỗi cung xuất khẩu do các hạn chế về cách ly xã hội cho thấy một yêu cầu hết sức cấp bách của ngành gỗ trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống (offline) bằng hình thức bán hàng online. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay. Hiện tại BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng. Cụ thể, hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online. Để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị DN và tay nghề của người lao động, phát triển cơ sở hạ tầng tốt.

Một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu vào thị trường nội địa. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam phục vụ tiêu dùng nội địa đã tạo ra khoảng trống để các DN gỗ Việt tận dụng. Bên cạnh đó, một số DN tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất. Ông Điền Quang Hiệp, cho biết hiện năng suất lao động trong ngành gỗ của Việt Nam còn thấp hơn khoảng 20% so với ngành gỗ Trung Quốc. “Trước khi dịch bệnh xảy ra, công ty hoạt động hết công suất, thậm chí liên tục tăng ca, hầu như không nghỉ… Đây là thời điểm tốt để ngồi nhìn lại cái gì cần cải thiện, nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch bệnh”, ông Hiệp khẳng định.

Hiện nhiều DN và một số hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất, kinh doanh ngay sau khi đại dịch chấm dứt. Các DN hiện đang tích cực tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến về những biện pháp giảm tác động của đại dịch và các hoạt động cần chuẩn bị để có thể quay trở lại sản xuất một cách nhanh nhất khi đại dịch đi qua…

 Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho rằng đến nay, các cơ chế chính sách của Chính phủ cũng như hoạt động của nhiều DN trong ngành vẫn đi theo hướng trọng tâm xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công thương và các hiệp hội gỗ trong cả nước, các nhà phân tích cần đặc biệt chú trọng hơn trong xây dựng chiến lược phát triển bền vững để nhìn nhận chi tiết hơn về cơ cấu dòng hàng và thị trường xuất khẩu, bảo đảm sự phát triển bền vững.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên