Ngày đầu tiên tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19: An toàn, bảo đảm đúng quy trình

Cập nhật: 19-03-2021 | 05:33:14

Sáng 18-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 cho 84 cán bộ y tế, quân đội trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch bệnh. Để bảo đảm xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, điểm tiêm chủng này được trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh tuyến đầu tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 

Không gặp phản ứng bất thường sau tiêm

Ghi nhận thực tế của chúng tôi vào sáng 18-3, tại điểm tiêm đầu tiên ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã có 84 chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế được tiêm vắc xin Covid-19 đều rất thoải mái về tâm lý, không gặp phản ứng bất thường sau tiêm. Người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp, an toàn. Đặc biệt, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế.

Trong buổi tiêm, người đến tiêm chủng tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng, phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ vắc xin. Trong khi đó, cán bộ trực tiếp thực hiện thủ thuật tiêm đã được tập huấn trước đó, lấy đủ lượng vắc xin cho mỗi liều là 0,5ml, bảo quản ở nhiệt độ từ 2-80C và trước khi tiêm không được lắc lọ vắc xin. Anh Nguyễn Hoàng Mạnh, Đại đội Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - người tham gia trực tiếp trong khu cách ly tập trung Trường Quân sự tỉnh được tiêm đầu tiên cho biết: “Sau khi tiêm vắc xin, sức khỏe tôi vẫn bình thường. Sau 30 phút tôi được cán bộ y tế trao giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước khi tiêm, tôi có chút hồi hộp nhưng được cán bộ khám sàng lọc giải thích rõ các thông tin liên quan đến vắc xin cũng như quá trình tiêm chủng nên tôi rất tự tin.

Tại khu vực khám sàng lọc trước khi tiêm, chúng tôi cũng ghi nhận một số trường hợp đến tiêm nhưng có tiền sử dị ứng, cao huyết áp nên tạm thời hoãn tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong quá trình tổ chức tiêm chủng, ngoài bảo đảm an toàn tiêm chủng, điểm tiêm chủng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19.

Chuẩn bị chặt chẽ mọi điều kiện an toàn

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiêm chủng này từ những ngày trước đó với mục tiêu an toàn được đặt lên hàng đầu. Do đây là vắc xin mới nên trung tâm lên kế hoạch chuẩn bị kỹ càng các bước trong quy trình tiêm chủng, từ khâu tiếp đón, tư vấn, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm đến khâu chuẩn bị mọi phương tiện, dụng cụ, máy móc cấp cứu nếu có tình huống sốc phản vệ. Hiện nay, nguồn vắc xin còn hạn chế, chưa đủ để cung cấp cho toàn thể người dân mà chỉ tập trung cho lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh. Sau này khi lượng vắc xin nhiều, chúng ta sẽ tổ chức tiêm chủng thường xuyên, rộng rãi như trong chương trình tiêm chủng quốc gia”.

Giám sát, kiểm tra các bước triển khai bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngày đầu tiên Bình Dương tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Điểm tiêm này đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trang thiết bị, máy móc, nhân lực đầy đủ; bảo đảm 5 khâu. Tại bàn tiêm và phòng theo dõi sau tiêm đều có hộp an toàn để chủ động xử lý tình huống”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 được sử dụng lần này là vắc xin mới đưa vào sử dụng, vì vậy các dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn trên thế giới vẫn đang được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế các nước và các nhà sản xuất theo dõi, cập nhật thường xuyên. Với Bình Dương, việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được khẩn trương chuẩn bị từ trước đó nhưng chắc chắn, bảo đảm nguyên tắc và thông tin đầy đủ cho người dân, kỹ càng và bảo đảm an toàn cao nhất. Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Tại điểm tiêm chủng, Bình Dương đã giám sát chặt chẽ, triển khai đầy đủ các bước theo quy trình. Trước đó, cán bộ y tế các tuyến cũng đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn theo dõi việc phát hiện sự cố bất lợi sau tiêm chủng và xử trí trường hợp phản vệ. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm, người đến tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm kịp thời, giúp ngành y tế đánh giá đặc điểm của vắc xin, có những điều chỉnh tích cực, cần thiết.

Dược sĩ NGUYỄN THỊ GIANG NHUNG, Trưởng Khoa truyền thông Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Phấn khởi khi được đồng nghiệp tiêm vắc xin
So sánh với nhiều loại vắc xin khác mà tôi đã tiêm trước đây, vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 không đau bằng, rất nhẹ nhàng và hoàn toàn bình thường. Hôm nay tôi rất phấn khởi khi được đồng nghiệp của mình tiêm và lại được tiêm ngay tại cơ quan của mình. Tiêm vắc xin, tôi yên tâm hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Tiến sĩ NGUYỄN HỒNG CHƯƠNG, Giám đốc Sở Y tế: Người được tiêm chủng cần có sự chuẩn bị
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm vi rút; nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng.
Sau khi tiêm xong, người được tiêm cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút; thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra như: Khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 2 ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như: Sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Người được tiêm cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ: Sốt cao trên 390C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ, co giật, phát ban, tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.

KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=758
Quay lên trên