Nghệ nhân Trương Quan Tịnh: Có bộ sưu tập sơn mài lớn nhất Bình Dương

Cập nhật: 23-06-2016 | 08:50:43

Nghệ nhân Trương Quan Tịnh (sinh năm 1949) ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một là một trong những người có sự gắn bó xuyên suốt cùng với sự thăng trầm của nghề sơn mài Bình Dương. Điều đáng quý ở ông là ý thức sưu tầm và gìn giữ các tác phẩm qua những giai đoạn phát triển của sơn mài Bình Dương…

  Nghệ nhân Trương Quan Tịnh với bộ sưu tập hàng trăm sản phẩm qua các giai đoạn phát triển của sơn mài Bình Dương

Từ năm 1977, nghệ nhân Trương Quan Tịnh đã thành lập Tổ hợp tác sơn mài Tân An thuộc xã Tân An, TX.Thủ Dầu Một do ông làm tổ trưởng. Tổ hợp tác sơn mài Tân An lúc đó quy tụ nhiều thợ sơn, vẽ giỏi của làng nghề sơn mài Bến Thế (Tân An) có tiếng trước năm 1975 như ông Lê Văn Hoảnh (học nghề sơn từ trường Bá nghệ Thủ Dầu Một năm 1942) là thầy dạy sơn của hầu hết các nghệ nhân sơn giỏi trong vùng thời bấy giờ như ông: Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Thạnh và bà Nguyễn Thị Hòa… Trong thời gian học nấu và pha chế sơn theo bí quyết gia truyền của ông Lê Văn Hoảnh, Trương Quan Tịnh đã học được cách nấu, quậy sơn quang đen, sơn phủ cánh dán phục vụ cho công đoạn sơn. Từ năm 1980, ông đã sử dụng sơn phủ dầu điều và sơn Polycite của Nhật có màu cánh dán đẹp và đưa vào sản phẩm sơn mài với các đề tài trang trí được khách hàng ưa chuộng như: cò tre, tùng hạc, thuyền trăng, hoa chim cá cảnh…

Trong nhiều năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Trương Quan Tịnh đã luôn có những cải tiến, sáng tạo góp phần trong việc kế thừa và phát triển nghề sơn mài của Bình Dương. Tính từ năm 1985-1990, ông đã sáng tác hơn 50 kiểu dáng bình hoa cũng như đề tài trang trí được khách hàng yêu thích và ký nhiều hợp đồng suốt một thời gian dài cho đến nay. Đặc biệt, một việc làm rất đáng trân trọng của ông là việc ông đã lưu giữ bộ sưu tập gồm hình ảnh, catalogue của hầu hết các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất cùng hàng trăm hiện vật sản phẩm sơn mài tiêu biểu, là các sáng tác của các nghệ nhân, họa sĩ sơn mài đất Thủ từ trước năm 1975 đến nay. Bộ sưu tập có đủ các kiểu dáng, đề tài trang trí, phong cách thể hiện như: vẽ phủ mài, vẽ phủ, khắc trứng (coromandel), cẩn ốc, cẩn trứng, vẽ dát vàng bạc, vẽ nổi, cẩn vỏ cây… Bộ sưu tập còn nêu được sở trường của từng nghệ nhân trong sản xuất như sơn, vẽ, cẩn. Những ai có dịp đến thăm nhà của nghệ nhân Trương Quan Tịnh đều không khỏi thích thú như được tham quan một bảo tàng sơn mài với bộ sưu tập các tác phẩm sơn mài lớn nhất Bình Dương. Bên cạnh đó, ông còn có một xưởng sản xuất lớn vẫn duy trì sản xuất sơn mài bằng quy trình truyền thống với 25 công đoạn, từ 12 - 15 nước sơn (sơn ta) với các kỹ thuật thất truyền như khắc trũng, vẽ phủ mài chủ yếu nhằm bảo tồn nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương.

Có thể nói, nghệ nhân Trương Quan Tịnh là một trong số ít nghệ nhân hiện nay có hiểu biết tường tận về nghề sơn mài Bình Dương. Không chỉ kinh doanh, ông còn quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về sự hình thành và phát triển nghề sơn mài ở Bình Dương, nhà của ông là địa điểm để các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về sơn mài.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1256
Quay lên trên