Người dân Tây Nguyên dùng phế liệu làm máy đo nước tưới cho vườn càphê

Cập nhật: 15-03-2017 | 09:58:19

Nhờ những 'mẹo nhỏ' đặt chai nhựa úp xuống đất và quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, người nông dân đã có một công cụ để đo độ ẩm của đất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ nhiều năm trở lại đây, ông Nguyễn Chí Thanh (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã dẹp được nỗi lo canh cánh về việc loay hoay lên lịch tưới cho vườn càphê rộng hơn 1 hecta của mình. Thay vì phải ngày ngày đội nắng, đội gió đi “thăm cây”, giờ đây, người nông dân ​vùng Tây Nguyên chỉ cần kiểm tra chiếc máy đo lượng nước trong đất được làm từ phế liệu đã ngay lập tức biết thời điểm nông trang của mình cần được tưới nước.

Sáng kiến nhỏ từ dự án hỗ trợ cộng đồng của Nestle Việt Nam đã từng bước giúp hàng nghìn nông hộ sống với cây ​càphê trên cao nguyên bazan tiết kiệm được sức lao động cũng như lượng nước tưới đang ngày càng khan hiếm.

Cây càphê ngày càng… khát

Những ngày tháng Ba, ​các mảnh đồi bạt ngàn càphê thuộc các xã của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu vào giai đoạn nở hoa. Hàng trăm nông dân tại đây cũng bắt đầu dẫn một lượng nước lớn từ các hồ chứa, ao, giếng tự đào để tưới cho cây.

Anh Nguyễn Công Đức, một người đã nhiều năm gắn bó với loại cây trồng vốn được coi là thế mạnh của vùng Tây Nguyên chia sẻ: Để hoa càphê có thể nở đều, việc bơm, tưới nước vào các gốc là không thể bỏ qua. Trung bình, mỗi cây càphê trong giai đoạn này ''ngốn'' tới hàng trăm lít nước thì mới đủ yêu cầu.

Chính vì vậy, anh Đức cùng vợ đã phải dùng máy bơm, máy nổ đưa nước từ ao chứa nằm sâu dưới chân đồi cả chục mét lên vườn rộng gần 1ha của mình. Máy chạy suốt cả ngày, khói âm ỉ. Nước ngấm xuống từng mảng đất đỏ au vì nắng nung chỉ trong phút chốc đã không còn dấu vết gì ngoài vết đen ẩm loang lổ. Một vườn càphê rộng chỉ trong mấy ngày bung hoa đã ngốn đi một lượng nước khổng lồ.

 

“Hầu như lúc nào chúng tôi thấy cây có hiện tượng héo lá, đất khô là sẽ tiến hành bơm tưới,” anh Đức chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chủ vườn này, trong điều kiện thời tiết không quá khô hạn như năm nay, việc tưới nước đại trà như trên cũng không khiến họ quá lo lắng vì nguồn nước dự trữ vẫn khá lớn.

“Nhưng nếu đợt hạn hán đột nhiên xuất hiện như năm 2016 thì tình hình không thể nói trước được,” một chủ vườn tại thôn Tân Thành, xã Tân Văn không giấu nổi sự bồn chồn.

Vào thời điểm trận hạn lịch sử đó, mực nước trong bể chứa của các nông hộ đều bị khô cạn, ảnh hưởng lớn tới năng suất cũng như chất lượng càphê hạt thu được.

Điều đáng nói, việc tưới đại trà, thiếu định lượng và chỉ căn cứ vào việc quan sát những biểu hiện bên ngoài của cây trồng đã và đang diễn ra trên hầu khắp các địa bàn chuyên canh càphê thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo đánh giá của ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ Nông nghiệp của Nestle Việt Nam: Cách làm cũ của các hộ nông dân khiến cho lượng nước thất thoát đến 60% so với nhu cầu thực của cây.

“Ngoài việc làm mất đi lượng phân, dinh dưỡng không nhỏ của cây thì đây là một trong những nguyên nhân khiến mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt và người nông dân phải đối mặt với nhiều khoản chi phí về tài chính và nhân công,” vị chuyên gia này nhận định.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động đến vùng sản xuất cây càphê Tây Nguyên, nguy cơ khát rõ rệt đang khiến cách làm truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Ông Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ: Hiện nay, những đợt hạn hán trầm trọng kéo dài đang đe dọa trực tiếp tới năng suất và sản lượng càphê. Đáng lo nhất, lượng mưa bình quân đang có xu hướng thay đổi, đặc biệt là từ tháng Tư đến tháng Bảy, là giai đoạn cây cần nhiều nước nhất.

“Gần đây, vào các tháng này, lượng mưa thấp, tần suất mưa ít gây thiếu nước. Năm 2015, lượng mưa bình quân chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm. Đến năm 2016, từ tháng Một đến tháng Sáu, tình trạng khô hạn khốc liệt ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng trên 100.000ha càphê,” ông Hồng dẫn chứng.

Bài toán về tiết kiệm nước, thay đổi cách tưới do đó càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Biến phế liệu thành máy đo nước cho cà phê

Nằm trong khuôn khổ dự án Nestle Plan nhằm hỗ trợ phát triển càphê bền vững ở Việt Nam, vấn đề tiết kiệm nước cũng được đặt lên hàng đầu.

Trưởng bộ phận hỗ trợ Nông nghiệp Nestle, ông Phạm Phú Ngọc cho biết: Ngay từ khi dự án Nestle Plan được tiến hành năm 2011, một loạt ứng dụng đơn giản để giúp nông dân chủ động theo dõi lượng nước tưới đã được đưa vào áp dụng trong thực tế.

Cụ thể, vị chuyên gia này dẫn chứng: Nếu khoa học khuyến cáo bà con nên tưới cho vườn khi độ ẩm trong đất ở mức 10-25% thì không khác nào “đánh đố” nông dân.

“Thay vào đó, chúng tôi sẽ tận dụng các loại phế liệu như vỏ chai nước, ống bơ cũ để làm thành các công cụ chỉ dẫn hiệu quả, dự báo thời điểm tưới cho bà con,” ông Ngọc giải thích.

Chỉ cần một thủ thuật đơn giản là đặt chai nhựa úp xuống đất và quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, người nông dân đã có một công cụ để đo độ ẩm của đất. Tùy theo lượng nước bám trong thành lọ mà có thể tưới tiếp và tưới bao nhiêu.

Ông Nguyễn Chí Thanh, chủ vườn càphê rộng hơn 1ha tại xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một trong số hàng nghìn hộ nông dân đang được hưởng lợi từ cách làm này. Từ năm 2011, ông Thanh đã được hướng dẫn và áp dụng loại máy đo đơn giản này cho tới tận hiện nay.

Lão nông đen nhẻm cho hay: Trên diện tích rộng hơn 1ha, ông chỉ cần cắm 4 chai nhựa úp xuống 4 góc. Sau đó, ông chỉ cần quan sát lượng nước bốc lên tích trên mặt chai là có thể biết được đất trong vườn có đủ độ ẩm hay không.

“Nếu nước trên mặt ít, nghĩa là đất đã quá khô. Lúc này chúng tôi sẽ bơm tưới. Cách làm này kết hợp với lịch nông vụ đã giúp lượng nước được tiết kiệm đến 20-40%”, ông Thanh hồ hởi.

Ngoài ra, các hộ nông dân tại Đắk Lắk còn tận dụng vỏ lon sữa bò để đo lượng nước mưa mà cây càphê hấp thu được. Điều này giúp họ điều chỉnh lượng nước tưới trong suốt mùa khô.

Chuyên gia của dự án Nestle Plan giải thích: Khi nhận thấy một vỏ lon sữa bò chứa 1/6 lượng nước mưa trong đó, có nghĩa là cây càphê gần đó đã tiếp nhận khoảng 100 lít nước. Người nông dân sẽ căn cứ vào mực nước này để chủ động mực nước tưới cho cây.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Qua thực hiện nhiều năm, thực tế cho thấy với các máy đo nước đơn giản này, người trông càphê đã tiết kiệm được tới 40-50% lượng nước cho mỗi lần tưới.

“Đây đều là những cách làm đơn giản, dựa trên khoa học nên bà con rất dễ làm theo. Đáng chú ý nhất chi phí gần như bằng không” ông Ngọc nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1229
Quay lên trên