Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế Bình Dương duy trì tăng trưởng và phát triển đã kéo theo những nhu cầu cần thiết về sử dụng nước ngầm để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường kiểm tra mực độ nước, nhiệt độ nước tại các công trình quan trắc nước dưới đất
Việc khai thác nước dưới đất tăng quá mức phần nào làm suy giảm trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm. Vì thế, từ năm 2013, Bình Dương đã triển khai thực hiện tại 37 công trình quan trắc nước dưới đất bao gồm quan trắc động thái và chất lượng nước. Các công trình này được phân bố đều trên các tầng địa chất khác nhau nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu nước dưới đất, giúp nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về diễn biến mực nước và chất lượng nước ngầm để có các biện pháp quản lý thích hợp.
Được biết mùa khô năm 2018, mưa xuất hiện sớm với lượng mưa khá cao, phân bố đều trên địa bàn. Do đó, mực nước tại hầu hết các công trình quan trắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 từ 0,06 - 1,61m. Tuy nhiên, khu vực Thuận Giao, An Phú, Vĩnh Phú (TX.Thuận An) và TX.Tân Uyên là những nơi tập trung nhiều khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nước lớn, nên mực nước có xu hướng hạ thấp, giảm nhẹ từ 0,45 - 0,66m. Thế nhưng, chất lượng nước tại các công trình quan trắc được đánh giá qua các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và vi lượng so với QCVN 09:2008/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm) trong mùa khô năm 2018 tương đối tốt, đa số đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.
Ngoài ra kết quả quan trắc còn cho thấy, hầu hết các giếng quan trắc trên địa bàn đều có chỉ tiêu pH dao động từ 4,7 - 5,5. Nguyên nhân là do hàm lượng CO2 hòa tan trong nước cao nên dẫn đến độ pH thấp. Riêng các công trình quan trắc tại khu vực huyện Phú Giáo (Tam Lập, thị trấn Phước Vĩnh…) có chỉ tiêu pH dao động cao từ 7,1 - 9,3, nguyên nhân do sự kết hợp giữa đá vôi và đá ong đã tạo đặc tính riêng cho tầng địa chất (n22) của khu vực này.
Bên cạnh đó tại khu vực Nam Bình Dương, một số công trình quan trắc trước đây có hàm lượng ô nhiễm cao, tuy đến nay có dấu hiệu giảm dần ô nhiễm nhưng vẫn vượt quy chuẩn cho phép, cụ thể như hàm lượng Cl- (chỉ tiêu đánh giá mức độ nhiễm mặn) vẫn vượt quy chuẩn 8,8 lần tại khu vực Vĩnh Phú; hàm lượng Amoni vượt chuẩn từ 1,2 - 8,1 lần tại các khu vực như Vĩnh Phú, Tân Uyên, Thuận Giao, Sóng Thần. Như vậy, chất lượng nước tại khu vực Nam Bình Dương đang có dấu hiệu ô nhiễm nên khuyến cáo người dân và doanh nghiệp hạn chế sử dụng nguồn nước dưới đất phục vụ mục đích sản xuất và sinh hoạt để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
P.V