Bác sỹ điều trị cho người bệnh phổi kẽ tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp.
Thông tin trên được Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra tại Hội nghị về Chương trình bệnh phổi mô kẽ, diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ chiếm khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong Khoa Hô hấp. Khoa Hô hấp, hàng ngày điều trị cho từ 70-100 bệnh nhân. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh này đều đến viện trong tình trạng nặng, có những trường hợp tử vong vì chủ quan bỏ điều trị, đến viện muộn. Vì vậy, cần có một chiến lược quản lý bệnh phổi kẽ trên toàn quốc.
Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý khá đa dạng, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cụ thể ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thành lập Hội đồng đa chuyên khoa cho bệnh phổi kẽ. Tại khoa Hô hấp, mỗi bệnh nhân sẽ được làm 1 bệnh án đưa ra hội đồng đa chuyên khoa gồm nhiều bệnh viện: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm Anh... để đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân, sau đó mỗi bệnh án đều được đưa vào hệ thống lưu trữ thông tin để theo dõi. Đến nay, Hội đồng đã hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho một số lượng lớn các bệnh nhân từ nhiều cơ sở y tế thông qua cơ chế phối hợp hiệu quả.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, bệnh phổi kẽ/bệnh mô kẽ là nhóm bệnh gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây biểu hiện khó thở. Hầu hết các bệnh nhân tiến triển thành xơ phổi và là tổn thương không thể hồi phục. Mặc dù hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể nhưng do các biểu hiện của bệnh phổi kẽ trên lâm sàng là không đặc hiệu, việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sỹ trên lâm sàng.
Việt Nam hiện chưa có nhiều hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán điều trị bệnh phổi mô kẽ. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, nội soi... chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.
Cách điều trị đối với người bệnh phổi kẽ giai đoạn cuối ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, như thở oxy dài hạn tại nhà, phục hồi chức năng hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn.
Với các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh học, giải phẫu bệnh cũng như cơ chế bệnh sinh đa dạng và không đồng nhất, các khuyến cáo trên thế giới đã đề cập đến vai trò của hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ.
Để giải quyết tốt nhất với bệnh phổi kẽ, Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh cần có định hướng chiến lược như: Áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hội đồng đa chuyên khoa cho chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa từ Trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài, bền vững. Với chiến lược này người bệnh vừa có thể được chẩn đoán và điều trị đúng mà không làm quá tải ở tuyến Trung ương.
Vì vậy, việc thành lập Chương trình bệnh phổi kẽ với mục tiêu xây dựng năng lực Bệnh viện Phổi Trung ương là một trung tâm chuyên sâu giúp chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ tiêu chuẩn, tiên tiến, tiện lợi và dễ tiếp cận cho người bệnh.
Chương trình cũng vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội để người dân biết tiếp cận bệnh phổi kẽ và bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các kỹ thuật chẩn đoán và thuốc điều trị bệnh phổi kẽ./.
Theo TTXVN