(BDO) Là bộ đội xuất ngũ, anh Nguyễn Viết Quỳnh, Giám đốc vận hành Tập đoàn Long Dương có nhiều năm làm nghiên cứu khoa học quân sự. Chính từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, vị doanh nhân này đã bắt đầu nghiên cứu quy trình quản lý và vận hành nhà ở xã hội.
Bén duyên với nhà ở xã hội
Sau khi xuất ngũ, năm 2008, anh Nguyễn Viết Quỳnh chọn Bình Dương làm nơi lập nghiệp. Trong giai đoạn này, Bình Dương đang đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động và người thu nhập thấp. Anh Quỳnh về đầu quân cho Tập đoàn Long Dương - đơn vị quản lý và vận hành nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Doanh nhân Nguyễn Viết Quỳnh “nặng nợ” với nhà ở xã hội
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp tại Bình Dương kéo theo cư dân từ khắp mọi miền đất nước chuyển về đây sinh sống và làm việc ngày càng tăng. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương rất lớn.
Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2021 ước tính khoảng 2,7 triệu người, tổng số người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu người, với khoảng 1,5 triệu người đang ở nhà thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Đó là lý do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư hàng chục ngàn căn hộ cho người thu nhập thấp và giao cho Tập đoàn Long Dương quản lý vận hành.
Việc quản lý hàng ngàn căn hộ giá rẻ giúp anh Quỳnh có cơ hội tiếp xúc với nhiều anh chị em công nhân, người lao động thu nhập thấp. Anh bắt đầu nhận ra những vấn đề trong công tác quản lý nhà ở xã hội. Đó là có hàng ngàn người sống chung môi trường tại các khu nhà ở xã hội. Làm sao để quản lý và vận hành trơn tru nhưng vẫn bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và văn minh khu dân cư?
Trăn trở này đã khiến anh Quỳnh nhiều đêm mất ngủ để nghĩ ra Đề án Quy trình quản lý và vận hành nhà ở xã hội qua thực tế tại Khu nhà ở xã hội Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một). Anh mất một năm từ khâu lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành đề án.
Quản lý thông minh, an toàn
Anh Quỳnh chia sẻ đa số công nhân lao động đến Bình Dương làm việc xuất thân từ vùng nông thôn. Trong khi đó, Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ về đô thị, do vậy Đề án Quy trình quản lý và vận hành nhà ở xã hội ra đời là rất cần thiết, giúp người lao động có hành vi ứng xử phù hợp với môi trường tập thể và lối sống đô thị.
Đề án gồm nhiều hạng mục, từ khâu giữ xe, quản lý vận hành và xử lý sự cố về điện, nước, phòng cháy chữa cháy... cho đến ứng phó khi có sự cố về an ninh trật tự xảy ra tại cộng đồng.
Nhà ở xã hội góp phần an cư cho người lao động. Trong ảnh: Gia đình anh Trần Thanh Hoàn chọn an cư tại Khu nhà ở xã hội Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một)
Anh Quỳnh tâm sự, nếu như ở những khu chung cư trung và cao cấp đều có quy trình quản lý rất bài bản, chuyên nghiệp… thì đa số nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện chưa quan tâm đến vấn đề này. Đề án mà anh dày công xây dựng nhằm để cho người lao động có nơi ở an toàn, văn minh… và có sự kết nối sâu rộng tại cộng đồng dân cư, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn minh, hiện đại và an toàn cho mọi người.
Đề án cũng tính đến sự khác biệt về văn hóa vùng miền, thói quen, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa… của cộng đồng cư dân tại khu nhà ở xã hội để xây dựng những ứng xử chuẩn mực cho người dân sinh sống nơi đây.
Anh Quỳnh hào hứng cho biết đề án ra đời với mục đích phi lợi nhuận, nhằm xây dựng một khu nhà ở xã hội chuẩn mực mà mọi người có thể an tâm khi về đây cư trú. Hiện đề án được Tổng Công ty Becamex IDC đánh giá rất cao bởi tính thiết thực và có thể áp dụng rộng rãi tại các khu nhà ở xã hội mà Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Theo anh Quỳnh, để quy trình quản lý vận hành nhà ở xã hội bài bản, chuyên nghiệp cần có sự chung tay góp sức của các bên: Chủ đầu tư, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương. Hy vọng rằng, với tâm huyết của mình, Đề án Quy trình quản lý và vận hành nhà ở xã hội của vị giám đốc “nặng nợ” với công nhân sẽ sớm được đưa vào thực tế, xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh cho người lao động.
PHÙNG HIẾU