Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Trần Minh Mạnh ở ấp Cây Cam, xã An Bình, huyện Phú Giáo đã biết tìm cho mình một hướng đi mới, xây dựng được mô hình sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương. Vừa qua, anh vinh dự là thanh niên nông thôn duy nhất của tỉnh được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho những nhà nông trẻ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Nhà nông trẻ sản xuất, kinh doanh giỏi Trần Minh Mạnh giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng kinh doanh của chính mình Ảnh: K.TUYẾN
Khoảng 7 năm về trước, tại xã An Bình, dù người dân có nhiều đất đai nhưng do thiếu vốn và khoa học kỹ thuật nên việc phát triển các mô hình trồng trọt còn gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt được thực tế này, anh Mạnh đã cùng gia đình đầu tư một chiếc máy cày để phục vụ bà con nông dân. Mặt khác, nhận thấy bà con còn hạn chế về kỹ thuật chăm sóc cây trồng cũng như sử dụng các loại phân bón, với số vốn ban đầu khoảng 125 triệu đồng, anh Mạnh đã mở cửa hàng Minh Mạnh Phát, chuyên kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cơ sở của anh còn cung cấp các tài liệu hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con. Chưa dừng lại, trong quá trình kinh doanh, gần gũi và tìm hiểu thực tế các mô hình nông nghiệp của người dân, anh nhận thấy phần đông bà con đều chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Chính vì vậy, mỗi khi có dịch, các đàn gia súc, gia cầm của người dân thường mắc bệnh. Anh Mạnh lại tiếp tục mở rộng kinh doanh bằng việc cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y, con giống và dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ.
Anh Mạnh cho biết, lúc đầu công việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn vì người dân đã quen với cách chăn nuôi, trồng trọt truyền thống. Phải mất một thời gian dài, khi được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, bà con mới quen dần với việc đổi mới cách thức sản xuất nông nghiệp. Từ đó, công việc kinh doanh của anh cũng bắt đầu đi vào thuận lợi. Để hỗ trợ bà con đẩy nhanh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, anh Mạnh đã liên kết với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Sông Gianh, Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Thức ăn gia súc Emivest, Công ty C.P Việt Nam, Công ty Thuốc thú y Mebipha, Vemedim, Bio... tổ chức các đợt hội thảo về quản lý chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân. Qua các đợt tập huấn, bà con nông dân ở địa phương đã nhanh chóng tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả cho các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Sau một thời gian kinh doanh, nhận thấy xu hướng phát triển của các mô hình kinh tế nông nghiệp tại địa phương, anh Mạnh đã quyết định vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư xây dựng trang trại heo thịt hiện đại với quy mô 500m2, có hệ thống quạt công nghiệp, máy phun sương. Trang trại của anh có thể nuôi 350 heo thịt/lứa, mỗi lứa khoảng 3,5 tháng. Ngoài ra, anh còn phát triển mô hình chuồng úm sinh học có tổng diện tích 110m2 để nuôi heo con với 100 heo con/chuồng.
Với mô hình kinh doanh kết hợp với sản xuất nông nghiệp, mỗi năm anh Mạnh đã có thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng, tạo việc thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương. Anh Mạnh nói: “Tôi “có gan” là một phần nhưng để có được những thành công, tôi cũng đã được Đoàn thanh niên ở địa phương và các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và hỗ trợ trong chuyển giao khoa học kỹ thuật…”.
K.TUYẾN