Nhanh lên… buýt ơi!

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:38:28

Kỳ 2: Nỗi khổ nhà xe

Kỳ 1: Chậm như xe buýt!

Đầu tư mua sắm một chiếc xe buýt mới giá từ năm, bảy trăm triệu đến một tỷ đồng, nhưng thu nhập mang lại chỉ vài trăm ngàn đồng/ngày nếu lái xe và nhân viên đều là người nhà, nếu thuê mướn người ngoài thì coi như hết. Xe buýt phải gánh trên mình biết bao chi phí như phí đường bộ, cầu đường, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, giá nhiên liệu tăng, trong khi phương tiện thì ngày một già cỗi. Nhà đầu tư và nhân viên xe buýt bây giờ chỉ biết có… khổ!

 Biết sai nhưng vẫn…

Trên chuyến xe đến phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), tôi giới thiệu mình là phóng viên và xin được trao đổi với bác tài về hành trình vừa qua, anh vui vẻ nhận lời và chỉ yêu cầu: “Nhà báo đừng nêu tên tôi vì lỡ… thất nghiệp khổ lắm”! Bác tài tự bạch, cái nghề này tuy không nặng nhọc nhưng áp lực dữ dội. Sáng 4 giờ phải ra khỏi nhà để nhận xe, kiểm tra an toàn, làm các thủ tục cần thiết đưa xe vào bến chuẩn bị xuất phát lúc 6 giờ. Chạy liên tục tới 19 giờ đêm mới kết thúc. Làm 3 ngày thì được nghỉ 1 ngày để bảo dưỡng xe. Thu nhập mỗi tháng dao động trên dưới 5 triệu đồng tùy lượng hành khách. Doanh nghiệp không trả lương mà chỉ khoán doanh thu. Phụ xe thu nhập khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, cơm nước tự túc. Không ‘tính toán kiếm thêm” thì làm sao sống nổi. Nếu như lương tài xế chừng 10 triệu đồng/tháng, lương phụ xe được một nửa thì không ai dám làm gì khác quy định.  

Bến xe buýt Bến Cát cách xa trung tâm thị xã rất bất tiện cho hành khách

Quay sang phụ xe tôi hỏi lúc nãy em không xé vé giao cho khách mà ghi vào báo cáo rồi xé vé bỏ xuống đường là sao? Phụ xe này chỉ cười và tìm cách đi ra khỏi xe. Qua đây có thể hiểu, do được khoán, nhưng phải báo cáo lượng hành khách/ mỗi chuyến nên phụ xe phải ghi khống rồi xé vé khống thấp hơn số khách thật để còn dư ra chút ít “ăn cơm”! Tại sao có trường hợp này? Có lẽ do không còn được trợ giá, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt như trước và doanh nghiệp cũng đã khoán trắng công việc nên mới có tình trạng tranh giành khách, không giao vé cho khách mà chỉ báo cáo khống cho có.

Tôi hỏi bác tài làm như vậy có đúng quy định không, anh đáp ngay: “Biết là không đúng, nhưng cũng phải làm. Bởi vì xe không đủ khách như quy định đồng nghĩa với anh em sẽ không có lương. Còn rước khách dọc đường, không đúng nơi quy định nếu không may gặp cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ bị phạt nặng. Mà lỗi này là do tài xế, bị giữ bằng lái tài xế nghỉ, công ty cũng không đóng phạt mà tài xế phải tự lo”.

Không được hỗ trợ thì xin trả tuyến

Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vận tải Bến Cát Nguyễn Anh Tài về tình hình hoạt động xe buýt hiện nay. HTX đã tham gia vận tải xe buýt từ năm 2006 đến nay với 3 tuyến chính là Thủ Dầu Một - Cổng Xanh, Bàu Bàng; Mỹ Phước - Cây Trường và Mỹ Phước - Long Hòa (Dầu Tiếng). Do đây là những tuyến về vùng sâu, vùng xa rất ít khách và chủ yếu là học sinh, lao động nghèo nên không có doanh nghiệp nào dám đầu tư. “Chỉ có HTX với thế mạnh là “cây nhà lá vườn”, chúng tôi vận động xã viên là người địa phương, chủ yếu là hộ có cao su, vì nghề này làm việc nửa năm, nghỉ nửa năm, lại tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình nên bà con mới chấp nhận”, ông Tài cho biết.

Ngày trước còn được trợ giá 1.000 đồng/hành khách, coi như nhà xe được lãi 1.000 đồng đó. Nhưng phải đầu tư lại một số chuyện khác như phí đăng kiểm, phí cầu đường, bảo trì, bảo dưỡng… Bây giờ khoản trợ giá bị cắt, có ngày nhà xe đổ 700.000 đồng dầu, chạy suốt ngày bán vé chỉ thu được 500.000 đồng! Xe càng chạy càng lỗ, nên phát sinh tình trạng bỏ chuyến, dồn chuyến. Ban điều hành HTX đã nhìn thấy trước việc này, nên trong quy chế quy định rõ: “Xe dự phòng mà không làm nhiệm vụ khi có yêu cầu thực tế; xe buýt bỏ chuyến, “hư giả” nếu bị phát hiện sẽ phạt 500.000 đồng/chuyến”. “Là một HTX có bề dày kinh nghiệm của một huyện giàu truyến thống, nên ban chủ nhiệm đã vận động nhà xe cố gắng chịu đựng một thời gian, thà chịu lỗ chứ không để ảnh hưởng đến uy tín của HTX, hình ảnh của địa phương”, ông Tài cho biết vậy.

Báo cáo của Sở Giao thông -Vận tải cũng nêu rõ, do lượng hành khách sụt giảm, doanh thu không đủ để trang trải chi phí hoạt động, nhiều đơn vị vận tải đã xin ngừng hoạt động. Cụ thể như tuyến Đại Nam - Bến xe Đền Hùng (Thủ Đức, TP.HCM); Đại Nam - Bến xe Chợ Lớn; Thủ Dầu Một - Đại học Quốc gia…

Ông Tài nói thêm: “Tình hình giá cả tăng cao, cộng thêm các loại phí phát sinh như phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm… buộc xe không lưu hành cũng phải chịu phí. Cộng với tiền lương, tiền công ngày một tăng, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo Sở Giao thông -Vận tải xin được hỗ trợ giá để kéo dài thời gian hoạt động. Nếu không được xem xét thì từ nay đến cuối năm chúng tôi không còn sức chịu đựng và phải xin trả lại tuyến”.

Học sinh, người nghèo sẽ gặp khó!

Ông Nguyễn Anh Tài kể, các tuyến xe buýt mà HTX đang vận hành đều là tuyến về vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, có đông người nghèo, người lao động. Lúc còn trợ giá cả 3 tuyến này có trên 100 thẻ đi xe buýt thường xuyên miễn phí. Có xã như Long Hòa, huyện Dầu Tiếng có đến 50 thẻ mà toàn là học sinh nghèo, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét cấp. Buổi sáng, xe buýt chạy tài nhất, cả chuyến chở toàn học sinh, anh em về than phiền, ban chủ nhiệm phải ngồi lại giải thích, các cháu đều là con em địa phương, nghèo mà không được đi học thì khổ lắm. Là người lớn mình phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ. Sau này có cháu nào học thành tài trở về giúp quê hương, mình cũng thấy hạnh phúc. Dù anh em lái xe đã thông cảm, nhưng ban chủ nhiệm HTX vẫn bố trí 2 xe chạy song song để không em học sinh nào bị bỏ lại, bị trễ giờ phải nghỉ học.

Sau này khi không còn được trợ giá, HTX cũng vận động bà con xã viên tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp là giảm giá cho học sinh, sinh viên, người nghèo đã có thẻ trước đây. Tuy chỉ giảm 1.000 đồng/lượt nhưng đây chính là tình cảm, là trách nhiệm của xã viên với con em địa phương mình. Không dừng lại ở đó, ban chủ nhiệm còn yêu cầu lái xe vào các đầu và cuối giờ sáng, chiều mỗi ngày, lúc học sinh vào lớp, ra về phải cho xe buýt chạy tới trước cổng trường để đưa, rước. Không để các em đi bộ cả cây số ngoài đường vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa không bảo đảm an toàn giao thông.

Ông Tài tâm sự: “Tuy việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều xã viên sắp phải chia tay với nghề vì làm ăn lỗ lã. Nhưng thời gian qua xe buýt của HTX đã xây dựng được nhiều tình cảm, nhiều hình ảnh đẹp trong lòng hành khách, người dân quê hương”.

Năm 2012, HTX vận tải Bến Cát được trợ giá 6,3 tỷ đồng, giá vé thời điểm này là 4.000 đồng/ nửa tuyến và 7.000 đồng/ toàn tuyến. Đã thực hiện vận tải 41.906 chuyến xe buýt, với trên 1 triệu lượt hành khách. Tổng chi phí hoạt động 13,8 tỷ đồng. Sang năm 2013 do không còn được trợ giá, vé xe buýt đã tăng lên 8.000 đồng/nửa tuyến và 12.000 đồng/toàn tuyến, tăng từ 41% đến 50%. Do phải tự cân đối kinh phí nên số chuyến xe đã giảm xuống còn 39.463 chuyến với lượng hành khách cũng giảm còn 806.874 lượt hành khách (20%) và tổng chi phí cũng lên trên 19,4 tỷ đồng, tăng 29%.

Kỳ 3: Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vào cuộc

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên