Nhiều hoạt động chăm lo người khuyết tật

Cập nhật: 18-04-2022 | 09:22:29

 Những năm gần đây, người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được lãnh đạo chính quyền các cấp, doanh nghiệp quan tâm chăm lo bằng nhiều hình thức như tặng thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, giải quyết tốt chế độ bảo trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Qua đó, NKT có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.

 Ông Lê Minh Quốc Cường (thứ 5, từ trái sang), Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thăm và tặng quà cho NKT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một nhân Ngày NKT Việt Nam năm 2022

 Các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho NKT

Những ngày gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương đến thăm hỏi, tặng quà, động viên hàng trăm NKT nhân kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam (18-4). Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, cho biết việc thăm hỏi, tặng quà nhân Ngày NKT Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng, động lực để NKT tự tin vươn lên hòa nhập, phát huy hết năng lực, đóng góp cho xã hội.

Theo Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 19.184 NKT ở các cấp độ. Để chăm lo tốt NKT, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết, đề án về hỗ trợ chính sách, nuôi dưỡng, trợ cấp xã hội, phục hồi chức năng... Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các đề án, như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020, đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên giai đoạn 2011-2015, đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015, tỉnh cũng lồng ghép với các hoạt động trợ giúp thanh niên khuyết tật để phục vụ dạy nghề cho NKT, đặc biệt là thanh niên khuyết tật.

Trong 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện dạy nghề cho 926 lượt NKT, trong đó có 650 lượt NKT được tạo việc làm với thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người. Trong đó, có những nghề, như: Dệt, massage, in lụa, may, làm tăm tre, làm chổi, sơn mài, điện gia dụng, làm kiềng máng cao su, sửa xe...; thực hiện giới thiệu, hỗ trợ 50 phụ nữ, trẻ em học các nghề may, tiện gỗ, sơn mài, lông mi, nuôi gà vịt, làm ống ten y tế; 20 NKT làm bảo vệ và nhận làm gia công tại nhà; 632 NKT được giới thiệu việc làm.

Đối với công tác hỗ trợ sinh kế, bằng các nguồn xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ phương tiện sản xuất cho NKT như máy may công nghiệp, xe máy để hành nghề xe ôm, xe bán nước mía, máy cưa, hỗ trợ vốn chăn nuôi... cho hàng trăm trường hợp.

Về chính quyền địa phương, mỗi xã, phường không ngừng nỗ lực, tạo điều kiện giúp NKT có cuộc sống tốt hơn. Điển hình như phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một thường xuyên vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ, tặng quà cho NKT trong các dịp lễ, tết. Công tác rà soát, cấp thẻ cho NKT được thực hiện chu đáo, thường xuyên, không để ai bị thiệt thòi. Các chế độ bảo trợ, chính sách được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, địa phương tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình, tạo điều kiện để các hộ khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh bằng nhiều mô hình nhỏ, mang tính hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, cán bộ LĐ-TB&XH phường Chánh Nghĩa, chia sẻ: “Có người vay tiền mở quán nước, người thì bán các mặt hàng gốm sứ, rau củ... và đều có thu nhập khá. Đến nay, nhiều gia đình đã hoàn vốn. Theo Thông tư 01 của Chính phủ, hiện những người bị tai biến đi lại khó khăn, bệnh tim, chạy thận giai đoạn cuối, ung thư đều được xếp vào diện khuyết tật. Do đó, số NKT tại địa phương tăng cao hơn trước. Toàn phường có hơn 200 NKT các cấp độ. Địa phương liên tục cập nhật, phân loại NKT để tạo điều kiện cho bà con nhận hỗ trợ đúng quy định. Mỗi tháng, NKT nhẹ được hỗ trợ 600.000 đồng, nặng thì được nhận 1 triệu đồng. Số tiền này phần nào giúp được ít nhiều cho NKT trong chi tiêu hàng ngày”.

Nhiều chính sách được thực hiện

Bên cạnh việc chăm lo về vật chất, các cấp trong tỉnh còn quan tâm đến sức khỏe, đời sống tinh thần NKT. Trong 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 73.446 lượt NKT với kinh phí 55,695 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện cho NKT tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, được khám chữa bệnh và phục hồi chức năng miễn phí. Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng của tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó đã lập hồ sơ theo dõi phục hồi chức năng cho 70.393 lượt NKT và cấp dụng cụ hỗ trợ cho 14.995 lượt người (chân tay giả và máy trợ thính, xe lăn, xe lắc…), phẫu thuật phục hồi chức năng cho 27 NKT. Chính quyền 91 xã, phường, thị trấn đều phân công cán bộ y tế thực hiện công tác hỗ trợ và phục hồi chức năng cho NKT tại địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh và các huyện, thị, thành phố thực hiện khám, cấp thuốc miễn phí cho 2.150 lượt NKT với số tiền khoảng 2 tỷ đồng; cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho NKT với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Cùng với đó, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh còn vận động kinh phí để phẫu thuật hệ vận động, chỉnh hình phục hồi chức năng cho 83 NKT vận động.

Trong 10 năm triển khai và thực hiện Luật NKT, tỉnh đã kiện toàn hệ thống quản lý chuyên môn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của địa phương như tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục khuyết tật cho cán bộ, giáo viên và học sinh; làm rõ vai trò và trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng, đáp ứng nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ khuyết tật; bảo đảm quyền bình đẳng trong phát triển và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

Tỉnh cũng triển khai thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện các chế độ ưu tiên hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập thông qua các hình thức như miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác; hỗ trợ phương tiện, tài liệu, sách vở, đồ dùng học tập; cấp học bổng nhằm khuyến khích, động viên trẻ em có thành tích học tập tốt, giáo dục các kỹ năng sống, học văn hóa để hòa nhập cộng đồng.

 Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã chi ngân sách và vận động nguồn kinh phí 634,441 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm sóc NKT. Bên cạnh đó, bằng các nguồn vận động, tỉnh đã thực hiện xây, sửa mới 321 căn nhà tình thương cho NKT với tổng số tiền 11,797 tỷ đồng; tặng 11.162 suất học bổng cho trẻ em khuyết tật, con của NKT với số tiền trị giá 11,108 tỷ đồng; thăm, tặng quà lễ, tết cho 191.346 lượt NKT với tổng số tiền 78,8 tỷ đồng.

 QUANG TÁM  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=563
Quay lên trên