Nhiều triển vọng cho gỗ cao su

Cập nhật: 31-12-2016 | 07:59:53

Gỗ cao su là nguồn thu bổ sung quan trọng cho người trồng sau 20 năm thu hoạch mủ. Đây cũng là nguồn vốn để tái canh và phát triển diện tích cao su mới. Đối với ngành gỗ, gỗ cao su đang là nguồn nguyên liệu hết sức quan trọng để sản xuất.

 Cây cao su đang có nhiều triển vọng giúp người dân thoát nghèo và các doanh nghiệp có thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tiềm năng lớn

Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN ngày 17-9-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận cây cao su là cây trồng đa mục đích, có thể trồng trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Đến năm 2015, cả nước có 981.000 ha cao su, trong đó có khoảng 397.000 ha trên đất lâm nghiệp. Như vậy, một số lượng lớn gỗ cao su là sản phẩm lâm nghiệp cần được quản lý, chứng nhận theo quy định đối với gỗ rừng trồng. Đây chính là nguồn nguyên liệu hết sức quan trọng của ngành gỗ khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Năm 2015, xuất khẩu nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước và chiếm 29,4% giá trị xuất khẩu ngành cao su. Trong đó, xuất khẩu nguyên liệu gỗ cao su đạt gần 337 triệu USD, đến hơn 60 thị trường trên thế giới; xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su giá trị gần 882 triệu USD, đến 85 thị trường trên thế giới. Kết quả này cho thấy, vai trò của cây cao su ngày càng lớn đối với ngành gỗ của cả nước.

Tại Bình Dương, gỗ cao su chủ yếu khai thác từ các công ty cao su Nhà nước. Nguồn khai thác hàng năm chủ yếu dựa vào diện tích cao su hết tuổi khai thác mủ, trong khi đó diện tích cao su tiểu điền của bà con nông dân (chiếm gần 50% diện tích cao su toàn tỉnh) vẫn chưa khai thác hết giá trị mà cây cao su đem lại. Hiện toàn tỉnh đang duy trì trồng 133.817 ha cao su; trong đó 108.226 ha đang cho khai thác mủ. Riêng năm 2015, sản lượng mủ cao su khai thác giảm khoảng 2% so với năm trước, do nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ngừng khai thác vì giá mủ cao su giảm mạnh gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế gia đình.

Năm 2016, giá mủ su tăng hơn 30% so với năm 2015 nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá mủ, bởi hiện tại diện tích cây cao su đã vượt hơn 3.300 ha so với quy hoạch đến năm 2020.

Nâng cao chất lượng gỗ cao su

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), năm 2017 được dự báo tiếp tục thuận lợi với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của cả nước nhờ tác động lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Việc giảm thuế nhập khẩu của các nước ký kết FTA sẽ thúc đẩy và xuất khẩu gỗ các loại và gỗ cao su.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ, trong năm 2017, xuất khẩu gỗ sẽ rộng đường tăng trưởng. Thuận lợi đó là, Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng niềm tin với khách hàng và thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, vì đây là những thị trường đã áp dụng các quy chế tương tự như EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chính vì thế, gỗ cao su sẽ có vai trò lớn hơn nữa trong ngành chế biến gỗ của cả nước. Dự báo, năm 2017, gỗ cao su trong nước có thể đạt giá trị xuất khẩu gỗ 1,5 tỷ USD.

BIFA cho biết, diện tích cao su đến tuổi thanh lý trồng lại trong giai đoạn 2017-2020 sẽ vào khoảng 15.000 - 40.000 ha/năm, có thời điểm sẽ lên 100.000 ha/năm do diện tích mở rộng trong giai đoạn này giá cao. Người trồng cao su cần điều chỉnh tái canh hợp lý để bảo đảm chất lượng vườn cây và sản lượng gỗ nguyên liệu. Giai đoạn 2017-2020, gỗ cao su cung cấp ra thị trường có thể đạt 3 - 8 triệu m3/năm, chưa kể Việt Nam cũng đang nhập hàng triệu m3 gỗ cao su từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan hàng năm. Điều này buộc người trồng cao su phải tính toán kỹ lưỡng, nếu muốn khai thác triệt để giá trị cây cao su mang lại từ mủ cao su cho đến nguyên liệu gỗ cao su.

Theo BIFA, nâng cao chất lượng cây cao su là điều cần quan tâm đúng mức, bởi hiện tại chất lượng gỗ cao su tại Bình Dương còn tương đối thấp so với một số nước trong khu vực. Nguồn nguyên liệu gỗ cao su cung ứng cho thị trường xuất khẩu đòi hỏi rất cao quy cách như đường kính, chiều dài, độ cứng… Do đó, người trồng cao su cần hạn chế thanh lý sớm vườn cao su chưa đủ tuổi, bởi vòng đời cây cao su kéo dài 20 năm từ khi trồng cho đến tuổi khai thác.

BIFA cũng đã kiến nghị lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng nghiên cứu, lai tạo ra các giống cao su mới có khả năng chống chọi với thời tiết thất thường, miễn nhiễm với sâu bệnh để từng bước nâng cao chất lượng cây cao su. Bởi Trung Quốc đã sớm đi trước một bước khi đã lai tạo thành công giống cây cao su chuyên cho gỗ làm nguyên liệu.

XUÂN VĨ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
cao su

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên