Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ nụ cười hòa bình

Cập nhật: 06-10-2013 | 00:00:00

  Trong dòng người vào mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều bạn trẻ mang theo tấm chân dung Đại tướng với sự thành kính. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)Những đôi mắt đỏ hoe, những tiếng nấc nghẹn ngào… từng hàng dài người dân xếp hàng trước cánh cổng số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để vào mặc niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng đang cố nén nỗi đau trước sự ra đi của người anh hùng dân tộc.

Mặc dù, 14 giờ 30, lễ mặc niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới bắt đầu. Thế nhưng, từ khoảng vài giờ trước đó, người dân đã xếp hàng dài trước cổng tư gia của cố Đại tướng với bao cảm xúc nghẹn lòng.

Một tay chống gậy, một tay cầm cuốn tạp chí có in hình cố Đại tướng, bác Nguyễn Văn Hiệu (87 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) không giấu được niềm xúc động: “Nghe tin Đại tướng qua đời, tôi không khỏi bàng hoàng, dẫu biết ai cũng phải qua vòng sinh-lão-bệnh-tử của tạo hóa.”

Quệt ngang dòng nước mắt, bác bảo: “Không chỉ riêng tôi mà toàn thể 90 triệu người dân trên đất nước Việt Nam này đều hướng về Đại tướng với niềm kính trọng vô bờ và sự ra đi của Đại tướng để lại một niềm tiếc thương vô hạn.”

Ký ức ùa về, bác kể, khi còn là một cậu thanh niên 27 tuổi, bác đã gặp cố Đại tướng trong một triển lãm mỹ thuật ở Nhà hát Lớn. “Khi ấy, nụ cười của Đại tướng thật rạng rỡ nhưng cũng thật hiền hòa. Từ ngày đó đến bây giờ và cả về sau này nữa, ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi về Đại tướng chính là nụ cười ấy-nụ cười hòa bình. Nhớ về Đại tướng là tôi nhớ về nụ cười của người,” bác Hiệu hồi tưởng lại.

Hòa mình vào dòng người trước cổng nhà cố Đại tướng, lão nghệ sỹ già Tạ Chí Hải lặng lẽ rút cây đàn violon ra, dạo bản nhạc “Chiêu hồn tử sỹ.”

Tiếng đàn vang ngân nghe da diết, khắc khoải; xen lẫn trong đó là nỗi nghẹn đắng, xót xa trước sự ra đi của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngơi bản đàn, người nghệ sỹ đường phố tâm sự, tiếng đàn như nén tâm nhang tiễn đưa người anh hùng của dân tộc về với đất mẹ.

Rung rung chòm râu bạc, nghệ sỹ Tạ Chí Hải trải lòng: “Cả cuộc đời Đại tướng vì nước vì dân. Đến lúc Người nhắm mắt xuôi tay, xin cho tôi được thay mặt những con dân đất Việt gửi tới Người khúc nhạc tiễn đưa. Đó là tiếng lòng của những người ở lại.”

Trong tâm thức của những thế hệ đi sau, cố Đại tướng được hình dung như một người cha, người chú, người anh vĩ đại mà giản dị, nghĩa tình.

Hướng đôi mắt buồn về phía tư gia của cố Đại tướng, anh Phạm Công Thắng (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) kể, đúng lúc anh đang có chuyến công tác ở Hà Nội thì nghe tin Đại tướng từ trần.

“Tôi thu xếp công việc để có thể ở lại Hà Nội thêm một vài ngày, để được dự lễ mặc niệm người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam,” anh Thắng cho hay.

Có mặt ở trước cổng ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu từ 2 giờ sáng 6-10, anh Thắng bộc bạch: “Có ở đây những giờ phút này mới hiểu hết được lòng thành kính và tiếc thương của người dân với cố Đại tướng. Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh những cụ già lưng đã còng nhưng vẫn chống gậy bước đến, đôi tay run run, hướng đôi mắt mờ nhòa lệ về phía nhà Đại tướng.”

Có chung suy nghĩ với người dân thành phố mang tên Bác ấy, Hoàng Linh (20 tuổi, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tuy chưa bao giờ được gặp Đại tướng nhưng qua những bài học lịch sử, những cuốn sách viết về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng, thế hệ trẻ chúng em vô cùng biết ơn những công lao, đóng góp của Người cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hòa bình, phát triển.”

Linh tâm sự, bên cạnh những tiết học trên giảng đường thì những sự kiện cụ thể như lễ mặc niệm Đại tướng lần này sẽ là bài học sâu sắc đối với thế hệ thanh niên về lòng biết ơn, sự kính trọng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn.”

Con phố Hoàng Diệu mỗi lúc một đông người đến mặc niệm cố Đại tướng, nước mắt rơi tiễn đưa người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Trong những giây phút này, âm vang lời thơ về “Anh Văn” lại vang vọng trong tâm thức những người con dân Việt: "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai.”./.

Thời gian cụ thể về lễ tưởng niệm tại nhà riêng của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Ngày 6-10: Từ 14 giờ 30-18 giờ.

Từ ngày 7 đến 11-10: Sáng từ 8 giờ-11 giờ 30, chiều từ 14 giờ-18 giờ.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, nghi thức mặc niệm tại nhà của Đại tướng được tổ chức nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân với mong muốn được bày tỏ tình cảm với cố Đại tướng kể từ khi Người từ trần.

Hoạt động thăm viếng mặc niệm tại nhà của Đại tướng không giới hạn bộ phận nhân dân, thành phần lao động nào mà tất cả mọi người dân đều được tham dự. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ tưởng niệm cũng yêu cầu đồng vào không mang theo lễ phúng viếng khi tham gia nghi thức mặc niệm.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=379
Quay lên trên