Những “người bạn” đặc biệt

Cập nhật: 15-01-2018 | 22:05:50

Không biết từ bao giờ, những chú chó trên đảo chìm, đảo nổi (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành những “người bạn” thân thiết với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Ở đây, những “người bạn” này không chỉ tham gia cùng chiến sĩ tuần tra giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương mà còn chia sẻ buồn vui với lính đảo.

Làm “bạn”của lính đảo

Ở vùng biên ải của Tổ quốc, những chú chó đã trở nên thân thương, gắn bó với nhiều lính đảo vì đâu đó có những hình bóng thân thương, quen thuộc của đất liền. Khắp các đảo trên quần đảo Trường Sa đều có loài vật này với số lượng hàng chục con trên mỗi đảo. Những chú chó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.


Những chú khuyển luôn có mặt cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Khi chúng tôi đến đảo Đá Lớn B đã thấy một con chó mực oai vệ đứng trên cầu tàu, theo sau là một đàn chó dàn hàng ngang vẫy đuôi và sủa vang lên như chào khách. Khi chúng tôi bước chân lên đảo, nhiều con chạy đến quấn lấy chân, thậm chí, một số con chó phấn khích quá còn nhảy chồm lên ôm người khách. “Các anh đừng sợ! Chó trên đảo không cắn ai cả. Nó chỉ đang tìm cách làm quen vì hình như nó cũng mong người ra thăm đảo”, một chiến sĩ trấn an, đồng thời quát lớn ra hiệu cho chúng đi chỗ khác. Như hiểu được mệnh lệnh, đàn chó tản ra và tìm chỗ nằm. “Con chó mực đứng vị trí đầu tiên trong đàn ra chào khách là con đầu đàn, đó là con Đen. Đen là con đầu tiên ra đảo “nhận nhiệm vụ”. Đen rất nhanh nhẹn, dáng oai phong nên được “bầu” làm trưởng đàn”, thượng úy Lê Hồng Phương, Chính trị viên đảo Đá Lớn B, giới thiệu.

Theo CBCS trên đảo, chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà mang từ đất liền ra. Chúng rất khôn ngoan và lanh lợi, đặc biệt rất thích tắm biển và bắt cá. Thời gian đầu đàn chó nhà được nuôi ở đảo cứ tự sinh sôi lên theo cấp số cộng, từ hai con thành vài con, rồi thành cả đàn. Sau một thời gian, lũ chó thế hệ sau mặc dù vẫn lớn bình thường nhưng bị chết “yểu” hoặc có biểu hiện bị bệnh... Sau đó anh em mới tìm ra nguyên nhân là do cận huyết. Sau này, các đảo đổi chó đực từ đảo này sang đảo kia. Đàn chó lại tiếp tục gia tăng và phát triển mạnh khỏe.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là những chú chó sống trên đảo rất có “kỷ luật”. Đàn chó chỉ sinh sống tại những nơi được cho phép, ngoài ra không được đến những khu vực khác, mặc dù không có rào cản. Về việc này, thượng úy Lê Hồng Phương chia sẻ: “Việc huấn luyện đàn chó trên đảo không quá khó. Thường chúng tôi chỉ dạy cho con Đen để về “triển khai” cho đàn. Không rõ con Đen “phổ biến” như thế nào, nhưng từ khi được “quán triệt” chỉ được đi vệ sinh ở nơi quy định sẵn, cả đàn chó trên đảo đều thực hiện theo.

Quyến luyến với lính đảo

Trước khi theo đoàn công tác Vùng 4 Hải quân vượt biển đến huyện đảo Trưởng Sa để thăm, tặng quà và chúc tết cho quân và dân trên đảo, chúng tôi từng được nghe kể nhiều về tình cảm quyến luyến giữa những con chó với các chiến sĩ qua hình ảnh những con chó bơi theo xuồng chở CBCS rời đảo sau khi hoàn thành nhiệm vụ để trở vào đất liền. Xúc động trước hình ảnh đó, chiến sĩ Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, Khánh Hòa) đã sáng tác bài thơ “Bơi vào đi” và đăng trên Facebook khiến nhiều người cay mắt. Chúng tôi xin trích dẫn bài thơ:

Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây

Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm

Sóng thì to, nước biển kia rất mặn

Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng...

Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không.

Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng

Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng

Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa...

Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà

Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ

Và tao biết đêm qua mày mất ngủ

Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về.

Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá

Thương những đêm tao và mày đứng gác

Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác

Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ

Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ

Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ

Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ

Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay…

Quả thật, sau khi ra đảo Đá Lớn, chúng tôi đã xúc động trước tình cảm giữa đàn chó với lính đảo. Theo các CBCS, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, ngoài nỗi nhớ đồng đội, nhớ đảo, các anh còn nhớ những con chó ngày quấn quýt bên mình. Chia sẻ điều này, chiến sĩ Đỗ Đức Nghiêm vừa hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn B, tâm sự: “Đàn chó ở đây tình cảm lắm. Tôi nuôi một con tên là Mập. Những đêm bồng súng đứng gác nó luôn quẩn quanh thức cùng. Đêm khuya gió lạnh thổi rét tê tái, Mập đứng cạnh, liếm cái lưỡi ấm áp vào bàn tay tự dưng thấy ấm áp, cảm thấy được chia sẻ rất nhiều. Nhiều khi có chuyện buồn hay nhớ nhà, mình lại tìm đến con Mập để tâm sự. Như muốn chia sẻ với tôi, Mập luôn chăm chú đưa mắt nhìn, lắng nghe. Mấy ngày gần đây, hình như Mập biết tôi sắp rời đảo vào đất liền nên quấn quýt với tôi hơn. Trở về đất liền, tôi sẽ nhớ Mập lắm”.

Đặc biệt, có những chú chó ở đây được quý đến mức các chiến sĩ lấy tên cầu thủ, ca sĩ mà mình hâm mộ để đặt tên. Nhiều lính đảo cho biết có một điều lạ là nhiều người quý chó đảo nên xin đưa vào đất liền nuôi, nhưng có lẽ không chỉ vì thay đổi môi trường sống mà chính những con chó nặng lòng nhớ đảo nên đã không sống được lâu…

Tham gia tuần tra với lính đảo

Ngoài việc tuân thủ nề nếp sinh hoạt trên đảo, đàn chó còn tham gia làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nói thêm về điều này, thượng úy Lê Hồng Phương, Chính trị viên đảo Đá Lớn B, cho biết: “Mỗi khi chiến sĩ đi tuần đêm là đàn chó đi theo thành hàng. Chó rất tinh mắt, thính tai, có thể phát hiện vật lạ giữa bóng tối và giữa tiếng sóng vỗ ào ào. Nhiều con khi phát hiện điều gì bất thường không lên tiếng mà chạy xung quanh bộ đội, hoặc tiến lại cào vào chân như ra ám hiệu. Nhiều khi chiến sĩ đi tuần tra bằng canô trên biển, chó cũng đi cùng. Ban đầu nó bị say sóng, nhưng khi đã quen thì chẳng mấy khi chó đảo vắng mặt trong các chuyến tuần tra. Đặc biệt vào những ngày thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, chúng giúp chúng tôi kịp thời phát hiện những thuyền cá của ngư dân đang cần sự giúp đỡ để kịp thời hỗ trợ”.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1350
Quay lên trên