Những nhà giáo hai giỏi

Cập nhật: 08-03-2016 | 09:04:43

Ngày xưa, nhiệm vụ chính của người phụ nữ là tề gia nội trợ, chăm sóc chồng con; còn ngày nay chị em vừa làm tròn bổn phận trong gia đình, vừa tham gia công tác xã hội. Với nữ nhà giáo, các chị luôn phấn đấu làm tròn cả 2 vai trò, xứng đáng với danh hiệu “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. 3 tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu chúng tôi giới thiệu dưới đây là những điển hình.

 CÔ LÊ NGỌC DUYÊN: Dốc hết tâm huyết với nghề

Dân gian thường ví nghề dạy học cũng là một nghệ thuật, người thầy là một nghệ sĩ. Để lôi cuốn học sinh (HS) đam mê học tập, người nghệ sĩ ấy phải dốc tất cả tâm huyết vào tiết dạy, luôn sáng tạo và vận dụng những phương pháp dạy mới. Cô Lê Ngọc Duyên, giáo viên dạy lớp 2 trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, TX.Bến Cát, đã làm được điều ấy.

Trong cái nắng nóng, khô hanh của tiết trời tháng 3, nhưng giờ học của lớp cô Duyên chủ nhiệm diễn ra thật sôi động. Tiết dạy hôm ấy cô sử dụng bảng tương tác thông minh để giảng dạy. Học trò tỏ ra hứng thú khi học với phương tiện giảng dạy hiện đại này. Các em không ngồi nghe một cách thụ động, mà còn có những trải nghiệm thú vị khi thực hành, giải quyết vấn đề, sáng tạo… qua đó giúp các em tiếp thu bài học thật tốt.

Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, cô Duyên đã rút ra cho mình phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả. Là tổ trưởng khối 2, cô Duyên luôn tiên phong trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy. Cô kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học vào giảng dạy.

Thấm nhuần câu nói: dạy học là nghề sáng tạo, hàng năm cô Duyên luôn trăn trở để có những sáng kiến kinh nghiệm áp dụng thực tế vào giảng dạy. Những năm qua cô có nhiều sáng kiến được ngành đánh giá cao, như: rèn chữ viết đẹp cho HS lớp 1, rèn kỹ năng giải toán có lời văn cho HS lớp 1… Riêng năm học 2014-2015, đề tài “rèn kỹ năng viết chữ đẹp cho HS lớp 2” đã đạt loại B cấp tỉnh. Đưa sáng kiến vào giảng dạy, hàng năm cô Duyên tích cực rèn chữ cho HS, nhiều năm có HS đoạt giải cuộc thi viết chữ đẹp cấp thị xã. Từ sự tận tâm của cô, hàng năm 100% HS lớp cô đều được lên lớp, tỷ lệ HS tiêu biểu đạt cao; có nhiều HS đoạt giải ở các cuộc thi: viết chữ đẹp, kể chuyện, tiếng hát Sơn ca, cờ vua, hội khỏe Phù Đổng…

Càng gắn bó với nghề, cô Duyên càng thể hiện niềm đam mê qua năng lực giảng dạy. Trong 2 năm học qua cô còn tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức và lần nào cũng đạt giải. Riêng năm học 2014-2015, cô đoạt giải nhì cấp TX.Bến Cát và được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

 CÔ ĐẶNG THỊ THU: Luôn hết lòng yêu thương con trẻ

 “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”, câu hát ngân nga của các bé càng nâng thêm giá trị của cô giáo mầm non. Ở các cấp học, có lẽ giáo viên mầm non là cực hơn cả. Nhưng với cô Đặng Thị Thu, trường Mầm non Tuổi Ngọc, TP.Thủ Dầu Một, yêu trẻ thơ nên cô đã chọn ngành mầm non để làm cái nghiệp.

Đều đặn mỗi ngày, cô có mặt tại lớp từ 6 giờ 30 phút để đón trẻ và ra về vào lúc 17 giờ chiều. Dù vất vả là vậy, nhưng theo cô tâm sự thì cô đã gắn bó 19 năm nay, không thể bỏ được. Cô được phân công phụ trách nhóm trẻ 25 - 36 tháng tuổi. Ở lứa tuổi này, cô dạy cho bé phát âm tròn câu, rèn nề nếp, dạy bé biết giữ gìn vệ sinh cá nhân; tình cảm đối với thiên nhiên, con người, bạn bè. Theo chương trình giáo dục mầm non mới, giáo viên dạy theo 4 chủ đề: gia đình; dạy về các loài vật; hoa, quả, các màu sắc; chương trình giáo dục giao thông phù hợp với lứa tuổi. Có thể nói, dạy trẻ ở lứa tuổi này rất quan trọng, đây là thời gian bé bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhận thức về cuộc sống. Để bé phát triển toàn diện, các cô vừa là cô giáo, vừa là người mẹ hiền thứ hai. Cô tâm sự, cô xem các cháu như con, chăm sóc bằng tình thương của người mẹ, để các cháu cảm thấy yêu thích ngôi trường, vui vẻ đến lớp. Chính sự yêu quý trẻ như con mà phụ huynh hài lòng và yên tâm khi con học lớp cô Thu.

Ở lứa tuổi mầm non, trẻ vừa học, vừa chơi, do đó giáo viên phải làm nhiều đồ dùng dạy học. Cô Thu cũng vậy, bên cạnh những đồ dùng được trang bị, từ những vật dụng bỏ đi, cô làm ra nhiều đồ dùng làm phong phú thêm lớp học. Cô Chi, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Ngọc nhận xét, là tổ trưởng tổ nhà trẻ, cô Thu năng nổ, nhiệt tình, đi đầu trong mọi công việc, giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến. Chấp nhận nghiệp làm mẹ, cô đã thể hiện được tấm lòng yêu thương con trẻ, hiểu tâm lý trẻ, dỗ dành cháu, nhưng cũng có lúc nghiêm khắc để dạy bé thực hiện nề nếp. Cô còn kết hợp với phụ huynh động viên cháu đi học đều đặn. Với sự phấn đấu không mệt mỏi, nhiều năm cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được ngành công nhận: giáo viên điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015.

 CÔ PHÙNG KIM THẢO: Sống trọn với đam mê

Nhắc đến cô Phùng Kim Thảo, giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên), học trò ở đây luôn dành những tình cảm quý mến, trân trọng. Để học sinh không coi đây là môn phụ, cô luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, tích cực, lôi cuốn học sinh vào môn học. Những bài giảng của cô giúp các em dễ khắc sâu kiến thức vì cô sử dụng đồ dùng dạy học tốt, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cô còn tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm, đến nay cô có 18 sáng kiến. Những sáng kiến trên đều được ứng dụng trong công tác chủ nhiệm, trong giảng dạy và tổ chuyên môn cũng đã áp dụng vào thực tế trong những năm qua. Sống trọn với nghề, liên tục từ năm 1990 đến nay cô Thảo đều đạt giáo viên giỏi vòng trường, thị xã và tỉnh, các tiết dạy đều được xếp loại giỏi, khá. Đặc biệt 13 năm liền cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (từ 1990 đến 2015). Cô còn truyền lửa đam mê môn giáo dục công dân cho HS. Hàng năm cô tích cực bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu kém. Từ sự đầu tư tích cực ấy, tỷ lệ bộ môn trung bình đạt 95% đến 100%, cao hơn tỷ lệ của tỉnh.

Đã chọn nghề dạy học, cô Thảo luôn tâm huyết với nghề. Trong năm học vừa qua, cô cùng với nhóm giáo viên xây dựng chuyên đề của tổ về chủ đề: Giáo dục phòng chống tham nhũng trong bộmôn giáo dục công dân và được thực hiện rất tốt. Ngoài ra, cô còn tuyên truyền vềLuật Giao thông đường bộ, Nghịđịnh xửphạt hành chính vềvi phạm Luật Giao thông đường bộcho tất cảHS ởtrường trong chương trình ngoại khóa đối với mỗi tiết học.

Cô Thảo đã tạo được uy tín với đồng nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường qua năng lực chuyên môn, chất lượng giảng dạy. Vì vậy, cô được tập thể tín nhiệm bầu giữ chức phó chủ tịch công đoàn. Với nhiệm vụ được phân công, cô đã vận động công đoàn viên tham gia các phong trào, nhất là phong trào thi đua “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Cô nói, phong trào này góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu khoa học, phục vụ giáo dục. Cô Thảo còn tham gia công tác quản lý của tổ chức công đoàn ở các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, làm và sử dụng đồ dùng dạy học và được thể hiện qua các cuộc vận động “Hai không”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.

Riêng bản thân cô, không những giỏi việc trường, cô còn quán xuyến công việc gia đình, xây dựng gia đình hòa thuận, bền vững, hạnh phúc. Bên cạnh đó, cô còn làm thêm kinh tế phụ để tăng thêm thu nhập, từ đó yên tâm gắn bó với trường lớp.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết
Tags
nhà giáo

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1591
Quay lên trên