Niềm vui làm việc thiện
Mỗi người một nghề và họ “tìm thấy” ở nhau một tấm lòng từ thiện. Thế là chơi thân với nhau. Khi cuộc sống đã ổn định, họ san sẻ niềm hạnh phúc, may mắn của mình cho những người bất hạnh. Không cần “quảng bá” cho việc làm của nhóm, nếu có điều kiện là họ tập hợp lại cùng đi vận động và cùng tham gia công tác thiện nguyện như xây tặng nhà tình thương, giúp bà con gặp thiên tai lũ lụt, tặng học bổng cho học sinh nghèo hay cho PN nghèo vay vốn làm ăn (định suất 5 triệu đồng/người)...
Chị Thùy Dương tặng quà cho một nhóm thợ hồ
Hàng trăm PN nghèo được nhận quà từ những NBTT trong dịp tháng 10 này. Đây cũng là việc làm mang ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày PN Việt Nam 20-10 do các cơ sở hội tổ chức. Quà tặng là những vật dụng cần thiết trong gia đình. Một NBTT tôi gặp hôm đó có các chị: Trần Thị Cúc, chủ tiệm vàng Kim Quang; Nguyễn Thị Thuận, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quỳnh Như; Nguyễn Thị Thùy Trang, chủ cây xăng Đông Hòa. Tất cả các chị đều ở xã Đông Hòa, Dĩ An. Nói như một chị cán bộ Hội PN: “Nhóm này đã có... thương hiệu rồi vì các chị rất nhiệt tình! Bất cứ nơi đâu cần giúp đỡ dù đột xuất, chúng tôi gọi là các chị có mặt để cùng trao tặng quà cho người nghèo...”.
Trong những ngày này, thành viên của các NBTT mà tôi biết cũng đang cùng nhau vận động để ủng hộ đồng bào miền Trung tang thương vì cơn lũ dữ. Không cần nói nhiều bởi quá nhiều hình ảnh thương tâm từ truyền thông đã nói lên tất cả. Các chị tùy theo khả năng của mình để đóng góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn. Có chị là chủ doanh nghiệp may chăn màn tặng hàng trăm tấm chăn. Có chị tặng quần áo, mì gói, gạo. Thông qua các tổ chức vận động, họ sẽ đem quà đến tận vùng lũ. Một “trưởng nhóm” từ thiện đang ngồi nói chuyện cùng tôi về vấn đề này cũng bận rộn với những cuộc điện thoại gọi đi, gọi đến. “Bao nhiêu em, chục thùng mì hả?”. Rồi lại: “Bao nhiêu chị, 200kg gạo hả?”. Hỏi về nghĩa cử đẹp này, tất cả các chị đều cho rằng, việc làm của mình quá nhỏ bé, không cần phải nhắc tới.
Cách làm của NBTT Đông Hòa là mọi người cùng tiết kiệm để xây tặng mỗi năm một căn nhà tình thương. Các hoạt động khác thì “gặp đâu làm đó”. Các tổ chức hội mà các chị thường thông qua để làm từ thiện là Hội Chữ thập đỏ, Hội PN... Ngoài ra còn có các chùa trong tỉnh như: Tây Thiên, Phật Học, Đức Hòa... Không chỉ dừng lại ở những địa chỉ cần giúp đỡ trong tỉnh, các chị còn đi đến những tỉnh, thành khác của miền Đông Nam bộ và miền Tây. Chị Thuận kể: “Có một gia đình chúng tôi đến trao nhà tình thương mà không cầm được nước mắt. Đó là hai vợ chồng đều là nạn nhân chất độc da cam ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Hai vợ chồng đều bệnh nhưng nhà quá nghèo. Họ chỉ sống nhờ vào mấy cây điều trong vườn. Một nhà khác ở Thủ Đức cũng... thảm không kém khi chồng bệnh ung thư vòm họng, vợ đi làm thuê để nuôi chồng... Những việc làm của nhóm chúng tôi là mong giúp họ xoa dịu phần nào nỗi đau vì nghèo khó, bệnh tật”.
Các chị Phạm Thùy Dương, Nguyễn Thị Mỹ Hương và nhiều thành viên khác ở TX.TDM cũng là một NBTT hoạt động khá hiệu quả. Cách làm của họ là “tìm đúng đối tượng để giúp đỡ”. Những người họ nhắm đến là thợ hồ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống; trẻ bán vé số; các trại viên trại cai nghiện; trẻ mồ côi và người già neo đơn; học trò nghèo hiếu học... Nói chuyện với chúng tôi, các chị cho biết: “Càng đi nhiều càng thấy nhiều mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Chúng tôi chỉ làm một phần rất nhỏ thôi chứ không có gì đáng kể. Điều cần thiết là nhiều người phải chung tay làm việc thiện để giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Có như thế, xã hội bớt đi những mảnh đời bất hạnh, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống”. Đầu năm học này, chị Thùy Dương cũng đã tặng 2.000 tập vở cho học sinh nghèo ở phường Phú Lợi, TX.TDM và phối hợp với một NBTT khác ở TP.HCM tặng 200 phần quà cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Bạc Liêu trị giá 30 triệu đồng...
Còn rất nhiều NBTT khác mà người viết có dịp gặp ở các tu viện, nhà thờ cũng như các chùa chiền. Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, Tòa Giám mục Phú Cường... cũng là những điểm mà các NBTT thông qua để tìm những “địa chỉ khó khăn” để giúp đỡ. Công việc của họ làm rất thầm lặng, họ thấy việc thiện là việc nên làm, thế thôi!
“Cho là... nhận đó thôi!”
Tặng quà cho phụ nữ nghèo Dĩ An
Một đồng nghiệp của tôi cũng thường được nhiều tổ chức đoàn thể, nhiều vị trụ trì chùa nhắc đến trong quá trình tôi đi thực tế để viết bài này. Trở về tìm... người nhà để hỏi chuyện làm từ thiện, chị cười hiền: “Không có gì đâu em. Cho là... nhận đó thôi. Mình làm việc thiện, nghĩ đến điều tốt đẹp thì tự nhiên mình thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Đem niềm vui cho người, mình cũng được... vui lây. Hạnh phúc lắm nên hễ có điều kiện, có thời gian là chị cùng bạn bè đi làm từ thiện”. “Không có gì đâu” nhưng nơi nào có những hoàn cảnh khó khăn chị lại băn khoăn tìm cách giúp đỡ. Khi thì qua Ban Bạn đọc của báo, khi thì kêu gọi mọi người ủng hộ. Vào các dịp lễ tết, chị cũng “chở gạo lên chùa” để cúng dường, để những người lỡ đường có bữa cơm ấm lòng...
Chị Phạm Thùy Dương cũng chung quan điểm này. Nghĩa là khi cho đi, mình nhận rất nhiều. Chị nói: “Chúng tôi được nhiều lắm, được niềm vui khi mình làm việc nghĩa, được bà con nghèo nhắc tới mỗi khi có dịp quay trở lại thăm coi họ làm ăn có khá hơn chưa. Bản thân tôi rất quý những người buôn gánh bán bưng nhưng vẫn nhín vài trăm ngàn để làm từ thiện. Nghĩa là chúng tôi đã làm cho họ tin tưởng để đóng góp dù ít dù nhiều trong những chuyến làm công tác từ thiện. Như thế là vui rồi. Cuộc sống cần có nhiều người biết trắc ẩn trước nỗi đau của đồng loại. Tôi mong cho ngày càng có nhiều người hơn đến với từ thiện để tìm vui, để “cân bằng” bởi mình được hạnh phúc cũng nên san sẻ cho người khác. Đó cũng là đạo lý tương thân tương ái của dân tộc ta”...
Thông qua những người chúng tôi tìm gặp từ những NBTT, chúng tôi còn gặp một người làm việc thiện mà tôi cho là... độc đáo nhất! Đó là cô V. chuyên đi làm ô-sin theo giờ cho mấy gia đình để kiếm sống. Bản thân cô không có nhà, phải ở trọ. Cuộc sống vẫn còn rất đỗi khó khăn nhưng hàng năm, cô luôn dành một tháng lương để cùng các thành viên của một NBTT tại TX.TDM đi giúp người... khó hơn mình! Cô nói rằng mình vui lắm khi thấy những đồng tiền mình đổ mồ hôi để kiếm được có thể giúp cho người bất hạnh. Cô cũng nói rằng mình nghèo nhưng còn may mắn hơn... khối người vừa nghèo vừa bệnh! Nghèo nhưng vẫn có sức khỏe để làm việc nuôi bản thân. Nghĩa là, bất kể giàu nghèo, không cần đến địa vị xã hội, họ gặp nhau bởi chung một tấm lòng thích làm việc tốt. Và họ dành dụm, họ “lắng nghe” nơi nào cần để giúp đỡ để đến tận nơi, trao tận tay người đang cần những đồng tiền ân nghĩa đó.
Họ cho đi và nhận lại sự an lạc trong tâm hồn mình...
Năm 2011, Bình Dương là tỉnh được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn làm địa phương tổ chức hội thảo Hoằng pháp cấp quốc gia với nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác hoằng pháp cũng như nhiều chương trình văn hóa Phật giáo. Kinh phí cho một hoạt động phật sự lớn như thế và các hoạt động từ thiện cần khoảng hơn 5 tỷ đồng và chủ yếu là vận động theo hướng xã hội hóa. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo nói: “Kinh phí vận động để thực hiện hội thảo là số tiền không nhỏ nhưng tôi tin, những mạnh thường quân, phật tử cũng như các tự viện trong tỉnh sẽ làm được. Ban vận động cũng đã họp để thông qua công tác vận động kinh phí để thực hiện những chương trình từ thiện ý nghĩa như: Tài trợ 11 ca mổ tim (Hòa thượng Thích Minh Thiện); xây tặng 100 căn nhà tình thương (Thượng tọa Thích Huệ Thông); trao tặng 700 - 1.000 xe đạp cho học sinh nghèo...”. Trong buổi họp trên, chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều cánh tay của các chị là chủ doanh nghiệp sinh hoạt trong những NBTT có tên và... không tên đăng ký hỗ trợ với mức từ 30 triệu đồng trở lên/người...
QUỲNH NHƯ