Những vấn đề an ninh - chính trị nổi bật thế giới năm 2015

Cập nhật: 04-01-2016 | 09:30:26

Vậy là năm 2015 sắp khép lại với nhiều diễn biến tác động đến nhân loại. Xin điểm lại một số sự kiện an ninh - chính trị quan trọng, vốn đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2015 bằng hai gam màu chủ đạo là sáng và tối.

Nga mở chiến dịch không kích khủng bố tại Syria

Có thể nói đây là sự kiện quốc tế để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lĩnh vực an ninh - chính trị năm 2015. Quyết định của Moskva đã làm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến chống khủng bố, khiến cộng đồng quốc tế phải thực sự bắt tay với nhau. Quyết định của Nga còn đẩy Mỹ vào thế bị động, buộc Washington phải điều chỉnh chính sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với đối thủ tầm toàn cầu là Nga và đối thủ trong khu vực là Iran nói riêng.

Cụm từ “điều chỉnh chính sách” chỉ là cách nói theo ngôn ngữ ngoại giao, trên thực tế, đây là bước lùi của Mỹ. Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 3-2014 khi Nga sáp nhập Crimea tới tháng 8-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần như “mặt nặng mày nhẹ” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Tuy nhiên, sau ngày 30-9 khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria, hai nhà lãnh đạo người Mỹ đã buộc lòng phải ngồi nói chuyện nghiêm chỉnh với hai nhà lãnh đạo Nga. Bên cạnh đó, từ việc gạt Iran ra khỏi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria thì bây giờ Mỹ lại làm điều ngược lại.

Thêm nữa, trong gần 10 tháng vừa qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây, Arab theo đuổi một quan điểm nhất quán là Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được nắm giữ vai trò gì trong chính phủ Syria, đồng thời đưa ra điều kiện tiên quyết cho bất cứ giải pháp chính trị nào cho Syria là phải loại bỏ ông Assad. Nhưng đến bây giờ, Mỹ và đồng minh lại gián tiếp công nhân vai trò của Tổng thống Syria.

Trên thực tế, cả phía Nga và Mỹ trong thời gian gần đây đều tỏ ra mềm mỏng hơn trong vấn đề Syria so với trước đây. Washington cho biết, ông Assad có thể giữ một trọng trách quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực, tuy nhiên, việc từ chức là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, Moskva vẫn vững lập trường rằng Tổng thống đương nhiệm Syria hoàn toàn có thể rời bỏ cương vị của mình nếu người dân nước này không tiếp tục chọn ông làm tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, Nga tham chiến tại Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran là những sự kiện chính trị - an ninh để lại dấu ấn sâu đậm trong năm 2015.

Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba

Ngày 20-7-2015, sau 54 năm đóng băng quan hệ, Mỹ và Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ, với việc mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước. Đây là một đột phá khiến cả thế giới phải chú ý. Để có được kết quả này, hai bên đã có rất nhiều nỗ lực hàn gắn quan hệ, xây dựng lòng tin lẫn nhau, dỡ bỏ các rào cản thương mại-tài chính và đi lại, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giữa chính phủ và nhân dân hai nước.

Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia của Mỹ, một nước Mỹ biết chấp thuận sự khác biệt của quốc gia khác, nhất là tại Mỹ Latinh và Caribe - khu vực Mỹ từng coi là “sân sau” nhưng đang mất dần ảnh hưởng; và cũng là nơi mà cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, cũng như tinh thần quốc tế vô tư trong sáng của Cuba không ngừng nhận được cảm tình của người dân khu vực.

Với riêng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được nhìn nhận là thành tựu ngoại giao lớn, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ không gặt hái nhiều thành công trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Hơn nữa, quyết định đó phù hợp mong muốn của phần đông người dân và doanh nghiệp Mỹ, vốn bỏ lỡ nhiều cơ hội do chính sách cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Cuba hơn 50 năm qua.

Với Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ đồng nghĩa sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Chính phủ Cách mạng Cuba. Bước đi này tạo thuận lợi hơn nữa cho Cuba hội nhập nền kinh tế thế giới, dù vẫn tiếp tục bị cản trở bởi chính sách cấm vận. Ngay sau khi hai nước tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao cuối năm 2014, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã triển khai các bước đi tích cực cải thiện quan hệ với Cuba.

Thỏa thuận quan trọng giữa Nhóm P5+1 và Iran

Sau gần 12 năm thương lượng ròng rã và gần 20 tháng đàm phán nước rút, ngày 14-7, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử về vấn đề hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, khép lại một trong những hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại. Thỏa thuận này cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Dù có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra sau khi thỏa thuận này được ký kết nhưng không thể phủ nhận thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ có những tác động rất lớn đến tình hình khu vực Trung Đông.

Đối với Iran, thỏa thuận này đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Tehran và phương Tây, là cơ hội mở ra những mối quan hệ hợp tác thương mại với thế giới. Còn Mỹ và các cường quốc khác có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngăn chặn được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực Trung Đông. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đã chứng tỏ các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng, đối đầu trong nhiều thập kỷ giữa các quốc gia. Đồng thời, nó cũng có khả năng trở thành hình mẫu để cộng đồng thế giới giải quyết những điểm nóng hiện nay trên thế giới.

Có chuyên gia nhận định rằng, suy cho cùng, tại Trung Đông, Iran đóng vai trò quan trọng nhất. Sau gần 8 năm đối đầu, bây giờ Mỹ và Iran mới bắt đầu hợp tác. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=837
Quay lên trên