Sau một thời gian chống chọi với khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) hiện đã có sự phục hồi khá tốt và đang nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021.
Sản xuất tại Công ty Gốm sứ Minh Long I
Bắt nhịp thị trường
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, các DN sản xuất, xuất khẩu của tỉnh đã có sự phục hồi tốt. Cùng với sự ổn định trong công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương, thông tin vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đã được một số nước thử nghiệm thành công đang là động lực quan trọng để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đa số các DN trong ngành chế biến gỗ đã ký được các đơn hàng xuất khẩu mới, có nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý II-2021. Các DN đang nỗ lực đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất, vượt qua chính mình và kỳ vọng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sẽ tăng cao. Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, nhận định rằng nhiều khả năng năm 2021, ngành gỗ kỳ vọng vượt mục tiêu tăng trưởng so với kế hoạch đề ra.
Đối với với ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), sau khi khó khăn về nguồn nguyên liệu được giải quyết, đã tăng mạnh mẽ và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt mức tăng 28% so với cùng kỳ, tương đương 1.049 triệu đô la Mỹ. Các DN đã bắt tay sản xuất cho các đơn hàng của năm 2021.
Ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương lạc quan khi năm 2020, vượt qua khó khăn, thử thách, ngành gốm sứ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 15%. “Vấn đề là các DN phải nỗ lực để phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, giữ vững thị trường trong và ngoài nước”, ông Lý Ngọc Bạch nhấn mạnh.
Là một ngành bị ảnh hưởng nhiều trong dịch bệnh, hiện các DN may mặc đã nỗ lực trong kết nối, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu. Việc tìm kiếm đơn hàng ở các thị trường mới cũng khả quan đối với những đơn vị sản xuất FOB (thiết kế, may thành phẩm).
Tính chuyện đường dài
Nếu như khó khăn ở hiện tại đang là thử thách lớn cho ngành dệt may thì mới đây, việc ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một tin vui lớn cho các DN, mở ra nhiều tín hiệu tươi sáng cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng sau những ngày “ngủ đông”.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết khi EVFTA được ký kết, điều các DN dệt may Việt Nam lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải, bởi hiện tại, nguồn sản xuất vải gần như vẫn tắc nghẽn tại Việt Nam vì nhiều lý do. Thỏa thuận đạt được nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp DN Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU. Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các DN dệt may Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải. Kỳ vọng, thỏa thuận này sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa đạt mức 50%, rộng cửa vào thị trường EU.
Các DN xuất khẩu gỗ Bình Dương cũng ý thức rõ những thách thức về thị trường, bởi thời gian gần đây ngành gỗ đã và đang trải qua nhiều biến động. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mặc dù đem lại cơ hội cho ngành trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhưng các vụ điều tra về phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng tại các quốc gia là thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Hiện mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc và Mỹ đang bị Chính phủ các quốc gia này điều tra phòng vệ thương mại. Các cuộc điều tra dựa trên dấu hiệu về gian lận thương mại của một số DN, chủ yếu là của Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết nguy cơ bị áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn, đặc biệt khi nhiều DN chưa có kinh nghiệm trong việc đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra. Kiến thức và kinh nghiệm của DN trong việc ứng xử với yêu cầu của cơ quan điều tra có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các tác động tiêu cực. Hiệp hội đang nỗ lực phối hợp cùng các ngành chức năng tháo gỡ, tuyên truyền đến các DN trong ngành những nguyên tắc về phòng vệ thương mại, những quy định, kinh nghiệm từ các thị trường để có bước đi dài hạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, mục tiêu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020. Sở Công thương cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin cho các DN về tình hình thị trường, giúp DN chủ động trong xây dựng kế hoạch, tái cơ cấu, tranh thủ thời cơ phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đồng thời, thông tin kịp thời, hỗ trợ DN tiếp cận với cơ hội thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do để thích ứng hội nhập trong thời gian tới. |
TIỂU MY