Giảm tỷ lệ tử vong được xem là vấn đề then chốt trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhờ các giải pháp quyết liệt cùng sự giúp sức của nhiều phía, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Một trong những nhân tố quan trọng góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Yếu tố then chốt giảm tỷ lệ tử vong
Theo biểu đồ dịch bệnh, trong tháng 8, số ca mắc Covid-19 tử vong tại tỉnh tăng, trung bình từ 20 - 30 ca/ngày. Đây là thời điểm số ca nhiễm trong cộng đồng tăng đột biến, hệ thống y tế phải đối phó khẩn cấp nên có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0 khi bị nhiễm bệnh, dẫn tới tử vong. Do đó, Bộ Y tế điều động nhân lực “tinh nhuệ” nhất cùng với tỉnh gấp rút xây dựng trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Sự cố gắng này đã mang lại kết quả khi trong đầu tháng 9, số ca tử vong tại các địa phương trong tỉnh giảm dần, có ngày chỉ ghi nhận hơn 10 ca. Tích lũy đến ngày 8-10, toàn tỉnh ghi nhận 2.134 bệnh nhân tử vong. Cùng với tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng cũng giảm đáng kể. Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 21.159 bệnh nhân nhưng chỉ có 731 người có diễn tiến nặng, suy hô hấp.
Tích lũy đến ngày 8-10, toàn tỉnh ghi nhận 2.134 bệnh nhân tử vong. Cùng với tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng cũng giảm đáng kể. Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 21.159 bệnh nhân nhưng chỉ có 731 người có diễn tiến nặng, suy hô hấp. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh, cho biết có nhiều yếu tố then chốt quyết định tới việc giảm tỷ lệ tử vong trong thời gian gần đây. Đầu tiên là chủ trương “Xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ phòng, chống dịch”. Chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, phát hiện sớm F0 trong cộng đồng có nguy cơ cao. Nhờ phát hiện sớm F0 từ các trạm y tế xã, phường lưu động nên người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất các gói thuốc cho người bệnh tự theo dõi, điều trị tại nhà. Ngoài ra, nhân tố quan trọng góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong là Bình Dương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 95% dân số tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và hơn 20% dân số tiêm mũi 2.
Thực tế trong điều trị chưa có bệnh nhân nào đã tiêm vắc xin phải chuyển lên tầng 3, tầng cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân nặng. Trong khi đó, ngành y tế củng cố, xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hiệu quả, liên kết chặt chẽ với các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Chúng tôi giao cho các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với bệnh viện ở tầng dưới tạo nên hệ thống nâng đỡ, luôn có sự trao đổi, hội chẩn, đào tạo, tập huấn nhằm phát hiện trường hợp nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong”.
Quyết liệt giảm tỷ lệ tử vong
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết thực hiện công điện của Bộ Y tế về quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, các bệnh viện dã chiến, khu điều trị Covid-19, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng loạt các biện pháp. Theo đó, các đơn vị tiến hành đánh giá phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đặc biệt mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh nhân để phân luồng người bệnh vào các khoa, giường bệnh nhằm phù hợp với tình trạng, nguy cơ bệnh nhân và thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Các bệnh viện, trung tâm nếu thực hiện “bệnh viện tách đôi” cần thực hiện chặt chẽ các bước sàng lọc, phân luồng từ khu khám bệnh đến các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo giữa các khu vực. Tùy theo điều kiện, các cơ sở y tế có thể bố trí ít nhất 2 tầng để thuận tiện trong điều trị và chuyển tầng nội viện; rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt, tăng cường thông khí toàn bộ các buồng bệnh, hành lang, khu điều trị người bệnh Covid-19. Nhân viên y tế cần chú ý phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 qua đường không khí hoặc do chưa tuân thủ tốt về sử dụng trang phục phòng hộ cá nhân, khẩu trang. Với người bệnh cần hạn chế mang chăn, gối, nhiều đồ dùng cá nhân vào phòng bệnh.
“Lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm, động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị F0 dài ngày, căng thẳng kéo dài, không để nhân viên y tế trực quá 8 giờ 1 ngày, làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và điều trị. Trường hợp nhân viên y tế không bảo đảm, đề nghị các đơn vị báo cáo Sở Y tế. Các đơn vị tăng cường theo dõi người bệnh, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao, rất cao, phát hiện kịp thời các dấu hiệu chuyển nặng, các biến chứng do thở máy và sử dụng thiết bị hỗ trợ”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh Covid-19 trong tỉnh, trường hợp cần thiết có thể trao đối với các bệnh viện tuyển Trung ương. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trạm y tế, trạm y tế lưu động thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, thu thập thông tin bệnh lý nền từ hộ gia đình; lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá các nguy cơ chuyển bệnh nặng, chuyển tuyến kịp thời; hướng dẫn các trường hợp F0 cách ly tại nhà dùng thuốc đúng chỉ định, đúng thời điểm; theo dõi, giám sát điều kiện cách ly tại nhà và tình trạng chăm sóc, dinh dưỡng.
HOÀNG LINH