Nở rộ dịch vụ làm đẹp – Kỳ 2

Cập nhật: 30-11-2017 | 08:29:57

Kỳ 2: Câu chuyện về chất lượng

Làm đẹp hay chăm sóc cơ thể là một nhu cầu chính đáng, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chăm sóc sắc đẹp như thế nào là đúng mực, tránh lạm dụng là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

 Đừng để xấu đi vì… làm đẹp

Dịch vụ chăm sóc làm đẹp đang là một ngành “hot” ở Bình Dương. Khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn cho việc làm đẹp của mình, từ bình dân đến cao cấp. Song chất lượng và độ an toàn của các dịch vụ làm đẹp đang là vấn đề khách hàng phải quan tâm. Nhiều khách hàng đến các dịch vụ làm đẹp chỉ mong mình đẹp hơn mà ít quan tâm vấn đề sức khỏe.

Trò chuyện với một số bạn trẻ đang chờ đến lượt mình tại một tiệm làm đẹp về việc liệu có an toàn khi lột da mặt thường xuyên, chúng tôi nhận được câu trả lời rất hồn nhiên: “Em đi lột da mặt nhiều lần rồi mà không bị gì cả, nên an tâm”.

Câu chuyện và hình ảnh đôi mắt sau khi nhấn mí không như mong muốn của một khách hàng ở Hà Nội mới đây là lời cảnh báo về việc làm đẹp mà thiếu thông tin về cơ sở làm đẹp, về chất lượng dịch vụ đối với chị em phụ nữ. Chị L. (24 tuổi, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) vốn có gương mặt ưa nhìn nhưng cô gái trẻ này vẫn khao khát được sở hữu đôi môi trái tim cuốn hút người đối diện. Sau thời gian suy nghĩ, L. quyết định đến spa thực hiện ước mơ của mình. Chúng tôi gặp L. khi bạn tiêm chất làm đầy vào môi mới vài ngày nên vẫn còn sưng lên. L. cho hay, chị chủ spa nói môi phải sưng vậy vài tuần, sau đó mới đẹp…, nhưng có ảnh gì về sau hay không thì bạn cũng không biết. Chị K. (ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) tâm sự với chúng tôi, vì muốn có đôi mắt đẹp chị đã tiêu tốn 6 triệu đồng cho 2 lần nhấn mí, nhưng kết quả không như mong đợi. Giờ đây mí mắt bị xệ, sẹo sâu khiến đôi mắt của chị còn xấu hơn lúc chưa đến spa. “Sau khi cắt mí hỏng, tôi có tìm hiểu và giật mình khi thấy khá nhiều người sau khi sử dụng dịch vụ nhấn mí lâm vào tình trạng như mình. Phụ nữ ai cũng thích làm đẹp, nhưng nếu ai có ý định làm các tiểu phẫu này thì tôi khuyên nên tìm hiểu kỹ, đến bác sĩ chuyên khoa”, chị K. chia sẻ.

Một trong những phương pháp làm đẹp “thần thánh” hiện nay được chị em truyền tai nhau là “lăn kim tái tạo da mặt”. Lăn kim hay còn gọi là vi điểm trên da hoặc liệu pháp collagen là phương pháp tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào. Phương pháp này sử dụng một bánh lăn nhựa chứa gần 200 đầu kim rất bén, nhỏ khoảng 0,07mm, dài từ 0,2 - 0,3mm, làm bằng thép không rỉ sử dụng trong y khoa. Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng tạo nên các vết thương hở, kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin; trong quá trình lăn kim có thể gây chảy máu nhẹ trên da. Để cải thiện làn lỗ chân lông to, sần sùi, qua lời quảng cáo trên facebook, chị N. (ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) đã tìm đến một spa để lăn kim cải thiện làn da của mình. Chị cố gắng chịu đựng lăn kim không qua ủ tê để da đẹp hơn theo lời nhân viên spa. Vậy nhưng, sau nhiều ngày phải bịt khẩu trang vì gương mặt trầy xước, hơn 2 tháng nay da của chị xấu hơn trước khi đi spa vì bị tổn thương sâu.

Khách xăm mày tại một spa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MY PHAN

Cần lựa chọn sáng suốt

Chăm sóc sắc đẹp là nhu cầu của phái đẹp, giúp bạn tự tin, thoải mái, phát huy vẻ đẹp hình thể và cả vẻ đẹp nội tâm trong cuộc sống. Tuy nhiên không phải cách thức chăm sóc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều khách hàng dường như chủ yếu quan tâm đến việc làm đẹp như thế nào mà bỏ qua việc tìm hiểu nơi đó làm có bảo đảm an toàn sức khỏe hay không; người làm cho mình có bằng cấp gì và sự nguy hại cho sức khỏe từ các câu chuyện làm đẹp này ra sao?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp, đối với các cơ sở trị liệu bên ngoài và thư giãn thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định, gây ấn tượng với bạn ngay từ không gian - tất cả phải sạch sẽ, ngăn nắp, bảo đảm vệ sinh y tế. Kế đến, thái độ ân cần, lịch sự của nhân viên và điều quan trọng là tay nghề của nhân viên. Còn lại, các tác động gây chảy máu trên da (như lăn kim, cắt mí) hay các thủ thuật như tiêm filler (chất làm đầy), làm má lúm, hạt gạo... - còn gọi là thủ thuật xâm lấn, đều phải được thực hiện bởi người cóchuyên môn như bác sĩda liễu, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Tại nhiều spa, khi chúng tôi hỏi về việc đào tạo nghề ở đâu thì đa phần các chủ spa có chứng chỉ hành nghề, còn nhân viên spa chỉ được học nghề qua sự chỉ dạy của chủ. Nhưng chủ spa thì có một, nhân viên thì nhiều và nhân viên mới chính là người trực tiếp làm đẹp cho khách hàng. Ghi nhận cho thấy, tại nhiều cơ sở thẩm mỹ có dịch vụ thêu lông mày, xăm môi…, nhân viên vô tư làm cho khách mà biện pháp khử trùng các dụng cụ ở nhiệt độ cao còn thiếu bảo đảm, vì vậy rất dễ truyền bệnh sang người khác.

Bên cạnh đó, câu chuyện giá cả các loại dịch vụ tại các spa cũng rất khác nhau. Lý giải với chúng tôi về vấn đề này, các chủ spa đều cho rằng còn là do loại mỹ phẩm trị liệu và công nghệ máy móc sử dụng thuộc dạng nào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong công nghệ làm đẹp, máy móc không phải mang công dụng thần kỳ như khách hàng lầm tưởng. Thị trường máy móc dùng trong spa cũng không quá đắt đỏ, song với nhu cầu “tút” lại nhan sắc, không ít khách hàng sẵn sàng chi tiền cho đủ loại dịch vụ xa xỉ khi quá tin vào công nghệ thần kỳ của máy móc trên để rước về những mầm bệnh. Thường các cơ sở làm đẹp sử dụng rất nhiều dòng mỹ phẩm lạ, độc quyền mà không phải ai cũng chứng minh được chất lượng thật sự có tương ứng với giá tiền hay không. Chị N. (ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) tâm sự: “Do không tìm hiểu kỹ nên tôi đã sử dụng sản phẩm chăm sóc da không thích hợp với da nhờn, làm cho da bị nổi mụn nên tôi phải tìm đến bác sĩ da liễu”.

Tại một cơ sở làm đẹp, chúng tôi quan sát thấy lọ mỹ phẩm massage in toàn chữ Trung Quốc, không rõ hạn sử dụng. Cô chủ tiệm làm đẹp nói rằng đó là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tác dụng rõ trong lần đầu tiên, tuy nhiên, vì bí mật nghề nghiệp nên không thể chia sẻ với chúng tôi. Trong khi đó, một số khách hàng đã sử dụng sản phẩm này phản ánh, khi bôi vào da mặt có cảm giác nhờn nhợt, với hương thơm nồng rẻ tiền. Khi chúng tôi hỏi về quá trình đào tạo nghề thì được chủ tiệm này cho biết được học tại một tiệm làm đẹp khác, có 2 năm kinh nghiệm là mở tiệm chứ chưa qua một khóa đào tạo bài bản nào. Từ việc xóa tàn nhang, tẩy nốt ruồi, tẩy nám, pha kem trộn, kem lột đến xăm mắt, môi…, cửa tiệm làm đẹp này sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách.

Các bác sĩ da liễu cảnh báo, khi sử dụng mỹ phẩm, khách hàng phải cẩn thận xem xét về thành phần và xuất xứ; đặc biệt là các loại mỹ phẩm như tinh dầu massage, tẩy tế bào chết, kem dưỡng... Tốt nhất là sử dụng các sản phẩm phù hợp, có uy tín và chất lượng, có tem kiểm định.

 Theo bác sĩ Cao Hữu Thịnh, được đào tạo chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Pháp, công tác tại TP.Hồ Chí Minh, hiện nay để được cấp giấy phép hành nghề tại thẫm mỹ viện đòi hỏi bác sĩ có ít nhất 5 năm thực hành mổ xẻ, nghĩa là tay nghề bảo đảm. Về điều kiện cơ sở vật chất, thẩm mỹ viện phải bảo đảm thiết bị máy móc vô trùng và có thể xử lý khi bệnh nhân có vấn đề nguy hiểm như sốc thuốc nhằm bảo đảm an toàn cho khách. Hiện nay, các dịch vụ thẩm mỹ đang được giới trẻ ưa chuộng, song đó là những thủ thuật cần phải được can thiệp bởi các bác sĩ chuyên ngành thẫm mỹ. Nên nếu có nhu cầu thật sự, khách hàng cần tìm đến bệnh viện hay cơ sở thẩm mỹ uy tín, có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp để bảo đảm làm vừa đẹp vừa an toàn tính mạng cho mình.

 

Kỳ cuối: Cần tăng cường quản lý

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên