Nơi ấy sáng đèn

Cập nhật: 31-10-2021 | 15:48:00

(BDO) Thành phố thức. Nơi ấy sáng đèn. TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương không ngủ …là những cụm từ mà giới truyền thông viết, nói và cảm nhận về sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh nơi tuyến đầu chống đại dịch Covid-19. 

Ở nơi chúng tôi đang làm việc cũng có những người như thế. Nơi ấy vẫn luôn sáng đèn, chẳng thể phân biệt ngày và đêm. Và họ vẫn lặng lẽ làm việc…

Kể từ khi đợt dịch Covid -19 lần thứ tư bùng phát, Bệnh viện Đa khoa Phương Chi đảm nhận cùng một lúc hai nhiệm vụ: Khám chữa bệnh thông thường và điều trị bệnh nhân Covid - 19. Nhân lực mỏng, từ ban giám đốc đến tất cả nhân viên ở các khoa, phòng đều làm việc hết sức mình, bất kể ngày hay đêm. Ở đây, hiệu quả công việc được đặt lên hàng đầu. 



Lực lượng y tế xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Những hoạt động thường nhật chúng tôi vẫn thường thấy: Ban Giám đốc bệnh viện cùng với công việc quản lý, điều hành hoạt động của bệnh viện. Họ còn là những bác sĩ tiên phong trực tiếp làm việc ở Khu điều trị bệnh nhân Covid-19, lấy mẫu test nhanh Covid - 19 ở các công ty, xí nghiệp và lấy mẫu định kỳ cho nhân viên, hướng dẫn hộ lý mặc đồ bảo hộ…

Anh chị em tự “xuống tóc” để gọn gàng, thuận lợi hơn khi làm việc trong những bộ đồ bảo hộ bịt bùng. Bác sĩ khoa cấp cứu đỡ đẻ, Khoa  xét nghiệm chạy mẫu xét nghiệm PCR thâu đêm. 

Bác sĩ kiêm luôn công việc của điều dưỡng, hộ lý, hướng dẫn F0 nhẹ tập thể dục, múa cổ động chống Covid vào chiều tối mỗi ngày. Ê kíp mổ, đỡ đẻ làm việc xuyên đêm khi cần cứu sống bệnh nhân. Nhân viên khối hành chính, hậu cần khẩn trương mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ khám chữa bệnh, tham gia chạy xe đưa đón bệnh nhân Covid - 19, tham gia đội tiêm ngừa, đội xét nghiệm test Covid-19 lưu động, hỗ trợ căn tin phục vụ ăn uống cho bệnh nhân....

Người mẹ thứ hai

Mẹ! Tiếng gọi thân thương, trìu mến chỉ dành riêng cho các bậc sinh thành. Ấy vậy mà rất nhiều sản phụ gọi nữ hộ sinh trưởng Phan Thị Thu Hồng ở khoa Phụ sản là Mẹ. 

Chị Hồng có trên 30 năm gắn bó với nghề hộ sinh. Chị không nhớ hết bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời từ những lần làm bà đỡ. Riêng trong mùa Covid năm nay, tần suất làm việc của các y, bác sĩ, nữ hộ sinh và bản thân chị luôn trong tình trạng quá tải; có những lúc tưởng chừng không gắng gượng được vì đuối sức. 

Nghe đồng nghiệp kể lại, có những hôm chị chỉ kịp uống nước, dùng cà phê cho đủ tỉnh táo để làm việc. Những mệt mỏi, âu lo của chị Hồng dường như tan biến mỗi khi nghe trẻ thơ cất tiếng khóc chào đời. Âu đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ với cái nghiệp “bà đỡ” của chị. 

Sản phụ Nguyễn Loan sinh con khi dương tính với Covid - 19. Sức khỏe rất yếu, chị lại băng huyết sau sinh. Ê kíp trực ở phòng sinh dã chiến đã túc trực và giành giật sự sống cho cả mẹ và con sản phụ Nguyễn Loan trong nhiều ngày liền. Mẹ tròn con vuông, xuất viện đã vài tháng, sản phụ Nguyễn Loan vẫn thường xuyên nhắn tin, điện thoại thăm hỏi chị Hồng với những tình cảm đong đầy: “Cám ơn Mẹ đã sinh ra con lần thứ hai. Ngàn lần con cảm ơn Mẹ…”.

Bảo mẫu của những đứa trẻ

Có những em chưa lập gia đình, nhưng các em là bảo mẫu của rất nhiều đứa trẻ. Chúng tôi muốn nói đến các điều dưỡng của khoa Nhi, nữ hộ sinh của khoa Phụ sản. Công việc của các em gắn liền với những đứa trẻ còn ấu thơ. 

Những tháng qua, rất nhiều đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ đã dương tính với Covid - 19. Ngay khi vừa được sinh hạ, các con phải cách ly mẹ. Các điều dưỡng của khoa Nhi là người mẹ thứ hai của các con. Các mẹ cũng “cách ly” cùng con, bù đắp những thiếu hụt về tình mẫu tử khi các con xa mẹ ruột của mình.

Các con vẫn luôn ấm vành môi, giọt sữa. Mẹ chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ, đến việc tắm gội, vệ sinh. Mẹ cưng nựng, giỗ dành mỗi khi con khó ở, đau ốm. Mẹ thức xuyên đêm canh cho các con ngủ yên giấc…

Nhìn các con nhẻn miệng cười thật đáng yêu, nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ tan biến. Chứng kiến các con cứng cáp mỗi ngày, lòng mẹ trào dâng hạnh phúc. 

Ở Bệnh viện Đa khoa Phương Chi, có nhiều đứa trẻ là con của các sản phụ nhiễm Covid -19 được nuôi dưỡng, chăm sóc đến khi cứng cáp, khỏe mạnh, test âm tính đã được các bảo mẫu trao đến tận nhà cho thân nhân, khi sản phụ còn trong thời gian cách ly điều trị. Nghĩa cử, ơn dưỡng dục ấy lay động sâu sắc đến các bậc sinh thành.

Làm việc xuyên ngày đêm

Không chỉ ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 sáng đèn làm việc không biết giờ giấc, anh chị em ở căn tin đã nhiều tháng nay làm việc, ăn ở ngay tại bệnh viện. Hàng ngày, căn tin phục vụ 200 suất ăn cho bệnh nhân và nhân viên. Chị em đi chợ từ tờ mờ sáng, chế biến, nấu nướng dọn dẹp đến tận khuya để kịp thời phục vụ 3 bữa ăn cho bệnh nhân đúng giờ và bảo đảm dinh dưỡng. 


Không quản gian khó, hiểm nguy, ngày đêm họ vẫn miệt mài với công việc

Chị Trần Thị Diễm Thúy, bếp trưởng của căn tin làm việc triền miên suốt thời gian dài, thiếu ngủ. Trong một lần dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho bệnh nhân, chị bị bỏng nặng. Nằm viện điều trị, chị Thúy chỉ kịp thay băng, uống thuốc, thời gian còn lại vẫn tiếp tục làm việc. 

Chị Thúy bộc bạch: “Giờ mà nghỉ thì không kịp lo cơm cháo cho bệnh nhân, họ cần ăn đúng giờ để uống thuốc. Thúy cũng cố gắng nấu những món ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng để bệnh nhân ăn uống, bình phục sức khỏe, nhanh được xuất viện…”. 

Làm việc trong điều kiện thiếu nhân lực, khan hiếm về lương thực, thực phẩm, khó khăn trong việc “chợ búa”, sự nỗ lực của anh chị em ở căn tin thật đáng ghi nhận.

Khu điều trị bệnh nhân Covid - 19, nhất là khu ICU (điều trị bệnh nhân Covid -19 nặng) luôn trong tình trạng căng thẳng. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, làm việc hết công suất, từng giây, từng phút chống chọi với tử thần dành lại sự sống cho bệnh nhân. Niềm vui lớn nhất của họ là khi bệnh nhân bình phục được xuất viện.

Có nhiều điều dưỡng tâm sự: “Chúng em không sợ vất vả, gian khó… Có những lúc không cầm lòng được khi có những gia đình mắc bệnh cả nhà; có những thành viên lần lượt ra đi, dù họ còn rất trẻ. Cuộc sống thật vô thường, xót xa quá. Con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, nỗi đau quá lớn! Hôm nào đổi ca trực mà không có bệnh nhân tử vong là chúng em vui và cảm thấy may mắn lắm rồi…”. 

Làm việc ở môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, trong số những nhân viên y tế đã có người dương tính với Covid -19. Nhiễm bệnh, đau ốm, mệt mỏi, khó thở, sợ hãi, lo lắng.., tất cả các cung bậc cảm xúc ấy họ đều trải qua. Điều ấy càng làm cho họ thấu cảm và yêu thương bệnh nhân hơn. Tuân thủ cách ly, điều trị, bình phục họ lại tiếp tục công việc mình đang đảm trách.

Anh Lưu Phùng Hưng, điều dưỡng của khoa Khám bệnh, chị Nguyễn Thị Nga hộ lý của bệnh viện là những người như thế. Tấm lòng và sự nhiệt huyết với công việc của họ thật đáng trân trọng!

Đại dịch Covid -19 thật khủng khiếp; ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Ở nơi tuyến đầu, có những lúc thật nghẹt thở và ám ảnh, chạm tới từng giây cảm xúc. 

Những chiến sĩ áo trắng, áo xanh luôn tự nhủ: “Đây là thời khắc, là thời gian chúng tôi thể hiện năng lực chuyên môn, tình người và y đức của người thầy thuốc. Ranh giới sinh tử của bệnh nhân chỉ trong gang tấc, được quyết định bởi sự nỗ lực hết mình của chính bệnh nhân và nhân viên y tế. Chúng tôi chỉ biết hành động và hành động để mang lại sức khỏe và sự an lành đến với mọi người

Chúng tôi - Đội quân áo trắng, áo xanh vẫn âm thầm làm việc. Bệnh viện Đa khoa Phương Chi vẫn luôn sáng đèn”.

Mộc Miên (Câu lạc bộ nhà báo hưu trí Bình Dương)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên