Nói không với rác thải nhựa

Cập nhật: 12-10-2019 | 09:26:33

 Chương trình đổi rác lấy quà của phường Bình Thắng, TX.Dĩ An

Không dùng rác thải nhựa, từ phong trào đến ý thức người dân đã được nâng lên một mức đáng khích lệ, tuyên dương và phát huy nhiều hơn nữa. Một lần có dịp vào công tác tại Trung tâm Hành chính tỉnh, tôi thấy thích thú khi trên bàn làm việc của một người bạn là chiếc bình nước thủy tinh dùng nhiều lần. Bạn cho biết, ngày trước cứ chai nước suối mà uống cho tiện lợi nhưng nay bạn đem theo chai đựng nước bằng thủy tinh để đựng nước uống. “Đồ đựng thức ăn cũng được tôi chú trọng hơn chứ không đựng trong hộp xốp như trước đây. Tôi thích các quán bán xôi gói xôi bằng lá chuối xanh nên hay ghé đó mua. Vậy là cũng giảm đi được một cái hộp xốp thải ra môi trường”, bạn chia sẻ.

Tại một số cuộc hội họp gần đây cũng không thấy bóng dáng chai nước vứt lăn lóc lại bàn sau khi các đại biểu ra về. Đây cũng là điểm mới đáng ghi nhận và nhân rộng ra với nhiều nơi. Chúng ta vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ được môi trường sống của mình khi lượng rác thải nhựa được hạn chế tối đa như thế.

Các Trung tâm Y tế ở: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một… cũng đã tổ chức các buổi lễ cam kết giảm thiểu tối đa rác thải nhựa. Theo bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Thuận An thì đơn vị đã ký cam kết với đại diện các khoa, phòng thuộc Trung tâm Y tế về thực hiện các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị. Đây là một trong những nội dung của kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế mà trung tâm đang triển khai thực hiện. Theo kế hoạch này, Trung tâm Y tế TX.Thuận An sẽ thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về tác hại của chất thải nhựa, tầm quan trọng của vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa…

Tại phường Bình Thắng (TX.Dĩ An) thì có cách làm hay là đổi rác thải nhựa lấy quà. Trao đổi với chúng tôi, những người thực hiện chương trình đổi quà này cho biết, các hoạt động ý nghĩa như thế này được thực hiện nhằm tuyên truyền, giúp cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mình.

Mỗi người một cách làm hay là chúng ta đã chung tay bảo vệ môi trường. Với anh Nguyễn Phan Thái Anh, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh thì có cách độc đáo là cùng nhân viên thiết kế và kinh doanh bình đựng nước. Anh cho biết: “Căn cứ vào chủ trương chung về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, chúng tôi đã cụ thể hóa ngay trong dịp tổng kết hè vừa qua, chúng tôi làm bình nước có logo của Nhà Thiếu nhi làm quà tặng. Đây là việc vừa ý nghĩa vừa mang tính vận động tuyên truyền. Tiếp thêm một bước nữa là nhân viên của Nhà Thiếu nhi tỉnh còn trang trí chữ viết, họa tiết đẹp cho bình giữ nhiệt. Thế là nhiều người thấy hay, đẹp hỏi mua. Công việc kinh doanh bình nước giữ nhiệt đến tình cờ như thế đã tạo thêm nguồn thu nhập cho anh chị em”. Cũng theo anh Thái Anh, bình giữ nhiệt vừa gọn, thuận tiện, dễ sử dụng và có thể mang đi khắp nơi. Qua việc làm cụ thể này, ý thức hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa và nhu cầu trang bị cá nhân ngày càng cao. Đây là điều đáng mừng!

 Rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại môi trường mà còn gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và sức khỏe con người. Việt Nam là một trong những nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất. Ước tính mỗi năm các đại dương trên thế giới đang phải hứng chịu 8 - 9 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn 33 lần so với các dự đoán trước đây.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4064
Quay lên trên