Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi đột phá của nông nghiệp Bình Dương

Cập nhật: 17-10-2017 | 08:36:45

Kỳ 1: Từ những chính sách

Sau khi tách tỉnh đến nay, ngành nông nghiệp (NN) Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, các chính sách đẩy mạnh phát triển NN theo hướng NN đô thị (NNĐT), NN kỹ thuật cao (NNKTC) đã được Bình Dương chú trọng thực hiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng hiện đại.

Ban hành nhiều chính sách phù hợp

Ngay từ sau khi tách tỉnh (1997), cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành NN cũng đã được tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển, theo hướng NNKTC. Trong giai đoạn 1997- 2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chuyển giao cho nông dân những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, góp phần cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Các chính sách khuyến nông cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, như hỗ trợ vốn, vận chuyển, cung cấp vật tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Đến nay, Bình Dương đã hình thành các khu NNCNC. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại khu NNCNC An Thái. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Điểm mang tính đột phá của ngành NN Bình Dương chính là việc ban hành Đề án NN công nghệ cao (NNCNC) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007-2010 (Quyết định 1013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 15-2-2007). Đây là quyết định nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hướng đến một nền sản xuất NN hàng hóa an toàn... Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trước đây, cho rằng chính Quyết định 1013 là bước khởi đầu cho NNCNC của tỉnh Bình Dương. Điểm nhấn là năm 2008, Khu NNCNC (UniFarm) An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (thuộc Công ty Cổ phần U&I) làm chủ đầu tư đã được hình thành tại xã An Thái, huyện Phú Giáo.

Thực hiện Nghị quyết số 26/ NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về NN, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 26-CTr/TU về “Chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng phát triển NNĐT, NNKTC gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”. Qua việc thực hiện chương trình này, cơ cấu ngành NN tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao; trong đó cây lâu năm, chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh của nền NN tỉnh nhà.

Cùng với đó, thông qua Quyết định 46/2012/QĐ-UBND ngày 17-10-2012 của UBND tỉnh về những giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển NN theo hướng NNĐT-NNKTC-NN sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, đã tạo điều kiện cho NNCNC phát triển. Từ quyết định này, nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất NN của tỉnh được hình thành, với hạn mức cho vay từ 50 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng, lãi suất tối đa bằng 60% mức trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại trả sau do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Sớm hình thành các khu NNCNC

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết qua việc triển khai thực hiện chương trình, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NNĐT, NN ứng dụng KTC trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, rau mầm, cây cảnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương...; trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đã đầu tư sử dụng hệ thống chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Trong số những mô hình NNCNC trên địa bàn tỉnh, trước hết phải kể đến Khu NNCNC An Thái, được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2008 với tổng diện tích 411,75 ha. Tại buổi trình bày Quy hoạch xây dựng Khu NNCNC An Thái, được tổ chức tại Sở NN&PTNT vào tháng 4-2009, ông Mai Hữu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, khẳng định việc xây dựng khu NN này sẽ góp phần phát triển nền NN của Bình Dương và thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã An Thái, đồng thời tạo thương hiệu riêng cho hàng nông sản Bình Dương, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh.

Cùng với Unifarm, năm 2008, UBND tỉnh còn phê duyệt 2 khu NNCNC khác là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) có diện tích 89,95 ha; khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo với diện tích 471 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có vùng chăn nuôi tập trung kỹ thuật cao, với tổng đàn gia súc 380.000 con, tổng đàn gia cầm 3,2 triệu con...

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định với việc chủ động hình thành các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, mô hình kinh tế trang trại, NN ứng dụng công nghệ cao, NNĐT đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 4 khu NNCNC với diện tích quy hoạch hơn 991 ha, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng.

Kỳ 2: Phát huy hiệu quả

HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1684
Quay lên trên