Ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp (gọi tắt là NNKTC) là một chương trình lớn của Bình Dương. Sau một thời gian triển khai chương trình, tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những mô hình này hiện vẫn chưa được nhân rộng do nhiều nguyên nhân.
Khái niệm NNKTC hiện không còn quá xa lạ với nhiều nông dân Bình Dương, bởi từ lâu nông dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình sản xuất NNKTC. Các mô hình này đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; tăng thu nhập cho nông dân. Các nông dân như Ba Chiến, Sáu Xê, Hai Hoàng, Ba Thắm (Tân Uyên), Bảy Khái, Bảy Đẹp, Nguyễn Thanh Thủy, Lê Văn Phấn (Bến Cát) là những điển hình tiêu biểu ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp. Ở họ đều có điểm chung là tâm huyết với nghề nông, ham tìm tòi học hỏi các kỹ thuật sản xuất mới và mạnh dạn ứng dụng vào thực tế sản xuất. Việc ứng dụng các kỹ thuật mới đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng.
Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân đã làm ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường
Do nhu cầu của thực tế sản xuất và mong muốn tiết kiệm đến mức thấp nhất các chi phí sản xuất, ông Bảy Khái (Nguyễn Văn Khái) xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, đã tự mày mò xây dựng nên hệ thống tưới phun tự động. Thông thường, một trang trại 25 ha cần ít nhất 2 nhân công để tưới. Mùa nắng có khi 2 người tưới cả ngày mới xong. Đó là chưa kể những chi phí tốn kém khác cho thiết bị đường dây, máy bơm, lại không thể tưới đều cho tất cả vườn cây cùng một lượng nước như nhau. Sau khi xây dựng hệ thống tưới tự động, ông Bảy Khái cho biết tiết kiệm được rất nhiều các chi phí về nhân công, lượng nước, lượng điện tiêu thụ. Số lượng cây trồng trên 1 ha cũng tăng lên đáng kể, từ 300 cây tăng lên 1.000 cây. Chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun tự động rất thấp, chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng, bằng 1/10 hệ thống tưới tự động của Israel, nhưng hiệu quả tương đương. Sau khi hoàn thành việc ứng dụng để tưới vườn cây ăn trái, hiện ông còn ứng dụng hệ thống này để tưới cao su giúp rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây và cây cao su phát triển đồng đều hơn.
Trên diện tích 2.000m2, ông Bảy Đẹp (Nguyễn Văn Đẹp) ấp Bến Liễu, xã Phú An, Bến Cát, xây dựng nhà lưới kín và sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho cây cà chua và dưa leo. Hệ thống tự động của ông Bảy Đẹp có cả máy hẹn giờ, máy đo độ pH trong nước, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Mỗi khi cần tưới nước và tưới phân, chỉ cần bật cầu dao điện, hẹn giờ; mọi thứ còn lại đều do máy móc tính toán, xử lý. Ứng dụng hệ thống tưới này còn giúp sản phẩm làm ra có độ đồng đều cao, bóng đẹp hơn. Cây trồng trong hệ thống nhà lưới kín hạn chế được sự xâm nhập của các mầm bệnh gây hại, nên không cần sử dụng các loại hóa chất bảo vệ. Do vậy, sản phẩm cà chua và dưa leo của ông Bảy Đẹp có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình trại lạnh xuất hiện ngày càng nhiều tại các huyện Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Các mô hình này còn có cả hệ thống máng ăn, máng uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ biogas hoặc được xử lý làm phân hữu cơ sinh học. Việc chăn nuôi theo mô hình trại lạnh đã giúp cho người chăn nuôi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên lợi nhuận tăng cao.
Mặc dù đạt hiệu quả cao, nhưng qua thực tế khảo sát cho thấy việc nhân rộng các mô hình sản xuất NNKTC vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do số tiền đầu tư thực hiện hình còn cao, trong khi hầu hết nông dân đều thiếu vốn. Đơn cử như mô hình NNKTC của ông Bảy Đẹp, chỉ với 2.000m2 nhưng ngốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Với những nông dân ít vốn thì rất khó ứng dụng được mô hình này. Một yếu tố nữa làm hạn chế sự phát triển các mô hình NNKTC là trình độ của nhiều nông dân còn thấp, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ...
Đà Bình