Trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng là góp phần bảo vệ môi trường và sự sống của nhân loại. (Ảnh: Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản Sở TN&MT đang hướng dẫn cán bộ trám lấp giếng hư hỏng ở địa bàn Tân Uyên)
Nước là chủ đề quan trọng
Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức diễn đàn về việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước vào thượng tuần tháng 3 vừa qua tại Đồng Nai. Không chỉ các tỉnh, thành trong nước mà còn các tổ chức quốc tế đến dự bàn thảo. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người.
Đề cập một thực tế đang diễn ra tại lưu vực sông Đồng Nai xoay quanh quy trình xả lũ liên hồ, rất nhiều ý kiến đưa ra bàn luận. Vào mùa mưa, khi xảy ra áp thấp nhiệt đới hoặc bão thì 13 hồ chứa, hồ thủy điện đều xả lũ, vùng hạ du thường bị ngập úng; còn mùa khô thì tất cả cùng tích lũy nước, gây ra tình trạng thiếu nước để sản xuất. Khoảng 4 - 5 năm nay, biến đổi khí hậu làm cho thời tiết diễn biến cực đoan, mưa bão, lũ lụt khó lường. Hiện có 4 hồ lớn trên lưu vực sông Đồng Nai làm cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM lo lắng nhất là Đơn Dương (Lâm Đồng), Đa Nhim (Bình Thuận), Trị An (Đồng Nai) và Dầu Tiếng (Tây Ninh). Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Tây Ninh Đặng Trọng Thành cho biết: “Nguồn nước đổ về Dầu Tiếng bắt nguồn từ Campuchia. Hiện phía thượng nguồn không có trạm quan trắc khí tượng thủy văn nên không thể dự báo trước được lượng mưa hay lũ sẽ đổ về, nên việc điều tiết xả lũ rất khó chủ động”.
Bàn về quy trình hồ chứa, nhằm để hạn chế ngập lụt do các hồ chứa mang lại, theo TS Đặng Thị Lan Hương, Cục Quản lý tài nguyên nước, quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ được tính toán dựa trên hiện trạng mưa, lũ của hơn 20 năm qua, từ đó đưa ra cách kiểm soát, phân kỳ để chống lũ trên sông Đồng Nai. Mục tiêu nhằm điều tiết việc xả lũ trên các hồ cho phù hợp để hạn chế ngập lụt ở vùng hạ du. Ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Phước, góp ý: “Phải xây dựng chi tiết quy trình xả lũ của từng hồ trước khi xây dựng quy trình liên hồ chứa. Đồng thời, trong quy trình phải có những phương án dự phòng đến các trường hợp xấu nhất để các địa phương đề phòng trước”.
Bình Dương luôn quan tâm bảo vệ nguồn nước
Nắm bắt từ thực trạng và định hướng lâu dài để quản lý tài nguyên nước, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản Sở TN&MT, cho biết Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên tiến hành điều tra, thống kê, trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Theo đó từ năm 2009 đến nay, các địa phương và ngành chức năng đã trám lấp 1.500 giếng hư hỏng, không sử dụng, góp phần ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất trên địa bàn.
Liên quan đến việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Bình Dương cũng đã ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía Nam của tỉnh, nhằm làm giảm tình trạng khai thác sử dụng khoáng sản và nước dưới đất tràn lan, làm giảm nguy cơ dẫn đến suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước; đồng thời, còn đầu tư, duy trì mở rộng mạng lưới quan trắc trên địa bàn để bảo vệ tài nguyên nước. Đến nay, Bình Dương có 36 công trình quan trắc nước dưới đất, 26 điểm quan trắc nước mặt và 1 trạm quan trắc nước mặt trên sông Đồng Nai. Mạng lưới quan trắc này đã giúp địa phương phát hiện kịp thời những diễn biến xấu về chất lượng, trữ lượng nước và đưa ra những giải pháp kịp thời để bảo vệ tài nguyên nước.
Tiếp tục quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước mặt, nước ngầm, ông Tân cho biết thêm sắp tới, phòng đã và đang triển khai thực hiện các Đề án về “Điều chỉnh, xác định bổ sung vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, trong đó sẽ xác định mới vùng cấm và hạn chế khai thác nước khu vực phía Bắc tỉnh và rà soát, bổ sung cho khu vực phía Nam đã xây dựng năm 2011. “Lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước” làm tiền đề, cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương; trong đó bao gồm quy hoạch phân bổ nguồn nước, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra (Điều 19, Luật Tài nguyên nước 2012); xây dựng quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp; đẩy mạnh, đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước và tăng cường công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép về tài nguyên nước…
“Nước và năng lượng” - Đó là chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức về mối tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố cơ bản này, đồng thời kêu gọi tìm kiếm biện pháp quản lý để có thể bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu của con người thông qua khai thác bền vững tài nguyên nước và sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng xanh.
Ngày Nước thế giới năm 2014 được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về mối quan hệ tương tác giữa nước và năng lượng, cũng như thúc đẩy đối thoại chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến mối liên kết nước - năng lượng này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến, các mô hình, các giải pháp áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và gắn kết các bên hữu quan để cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến nước và năng lượng.
HỒNG - HIỀN