Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường sẽ có hiệu quả cao

Cập nhật: 13-06-2015 | 08:30:42

Đây là năm thứ 4 Bình Dương tổ chức chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường (VSMT), truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng trên phạm vi toàn tỉnh. Chiến dịch được tổchức nhằm mục đích tuyên truyền vận động mọi người dân cùng thực hiện VSMT sống vàthực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng, hướng dẫn người dân cách vệsinh cá nhân, chăm sóc trẻ em để phòng chống dịch bệnh...

“Chiến dịch được tổ chức còn nhằm huy động sức mạnh cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia tạo thành phong trào sâu rộng, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh nhằm hạ thấp mật độ muỗi vằn trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền dịch bệnh, khống chế không để dịch bệnh xảy ra. Thực tếtrong những năm trước, sau khi triển khai chiến dịch, mật độ muỗi, mật độ lăng quăng, số lượng bệnh nhân… đều giảm từ 20 - 60%”, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

- Năm nay, chiến dịch sẽ triển khai như thế nào và có gì mới so với những năm trước, thưa ông?

- Cũng như hàng năm, năm 2015 chiến dịch được triển khai trên toàn tỉnh, với 91/91 xã, phường cùng đồng loạt ra quân. Chiến dịch năm nay chia làm 2 đợt, mỗi đợt tổ chức 2 vòng: Đợt 1 vào tháng 6 (vòng 1: ngày 13 và14-6, vòng 2: ngày 20 và 21-6); đợt 2 vào tháng 8 (vòng 1: ngày 15 và16-8, vòng 2: ngày 22 và 23-8).

Năm nay, việc tổ chức chiến dịch có nhiều điểm mới so với những năm trước. Trước hết là về tham mưu kế hoạch, năm nay kế hoạch tổng VSMT được tham mưu UBND tỉnh ban hành rất sớm (từ 1-4-2015). Việc ban hành kế hoạch của tỉnh sớm đã tạo điều kiện cho các địa phương có nhiều thời gian chuẩn bị hơn, xây dựng và triển khai kế hoạch tổng VSMT sẽ chi tiết, cụ thể và như vậy mức độ thành công khi triển khai sẽ cao hơn. Năm nay, các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã đều được củng cố, kiện toàn. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch tổng VSMT năm 2015 có nhiều thuận lợi. Về công tác chỉ đạo của ngành y tế, ngoài sự chỉ đạo về mặt Nhà nước của Sở Y tế đối với các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, năm 2015, Đảng ủy Sở Y tế đã chỉ đạo Đoàn cơ sở huy động lực lượng thanh niên ngành y tế tham gia vào chiến dịch. Về kinh phí tổ chức chiến dịch, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm từ những năm trước, chiến dịch năm 2015 được xây dựng đủ kinh phí cho các mục hoạt động của chiến dịch. Điều quan trọng là nhận thức của nhân dân về phòng chống dịch bệnh nói chung, phòng chống bệnh SXH, TCM nói riêng ngày càng cao, điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của chiến dịch.

- Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, chiến dịch trong những năm trước cũng còn một số tồn tại. Vấn đề này sẽ được khắc phục trong chiến dịch năm nay như thế nào, thưa ông?

- Trong quá trình triển khai chiến dịch những năm trước, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như tại một vài địa phương, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chưa thật sự quan tâm, chưa thật sự nghiêm túc trong việc thực hiện chiến dịch. Hầu như chỉ có ngành y tế thực hiện nên kết quả chiến dịch ở những địa phương này đạt được chưa cao. Một tồn tại khác là, dù được lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ, nhưng kinh phí cho thực hiện chiến dịch vẫn chưa đáp ứng được tất cả nhu cầu cần thiết; sau chiến dịch việc thực hiện báo cáo và giải ngân còn chậm...

Trước những tồn tại đó, để chiến dịch năm nay triển khai thực hiện đạt kết quả cao, chúng tôi đề xuất một số giải pháp khắc phục: Tăng cường sự chỉ đạo của UBND tỉnh đến các địa phương, xây dựng kế hoạch và phân công phân nhiệm cho các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) cụ thể, họp BCĐ sau mỗi đợt chiến dịch để rút kinh nghiệm; kiểm tra - giám sát trước trong và sau chiến dịch, xây dựng cụ thể thời gian thực hiện báo cáo và giải ngân; khen thưởng động viên các đơn vị- cá nhân tích cực…

- Công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong chiến dịch năm nay, công tác này được quan tâm như thế nào, thưa ông?

- Công tác truyền thông về kiến thức phòng chống dịch bệnh cho người dân được đưa lên hàng đầu trong tất cả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động tuyên truyền cho chiến dịch. Công tác truyền thông sẽ được triển khai thực hiện trước, trong và sau chiến dịch.

Năm 2015 việc truyền thông được tổ chức ngay trước chiến dịch 1 - 2 tuần bằng nhiều biện pháp như: Phát thanh trên loa phóng thanh huyện - xã, tuyến tỉnh thực hiện phóng sự và truyền hình liên tục trước chiến dịch, với các nội dung chủ yếu về các biện pháp phòng bệnh và VSMT, vệ sinh cá nhân, cách rửa tay đúng…

- Để chiến dịch thành công, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các đoàn thể liên quan. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của những đơn vị này?

- Để chiến dịch thành công, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp chính quyền là một yếu tố rất quan trọng. Trong những năm trước, những địa phương nào được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo từ khâu xây dựng kếhoạch, chỉ đạo thực hiện, huy động các ban ngành tham gia, kiểm tra giám sát cũng như hỗ trợkinh phí cho các thành viên trực tiếp tham gia chiến dịch… đều đạt kết quả rất cao. Để tiếp tục triển khai chiến dịch đạt hiệu quả, ngành y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, kiện toàn, phân công BCĐ các cấp, bố trí kinh phí đầy đủ, chi tiết cho các phần, mục chiến dịch. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự chuẩn bịsớm, cụ thể, chi tiết, chiến dịch tổng VSMT năm 2015 sẽ có hiệu quả cao như mong đợi.

- Xin cám ơn ông!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=764
Quay lên trên