Bên cạnh rất nhiều loại hương liệu, nhân bánh trung thu làm sẵn có xuất xứ Trung Quốc, không rõ nhãn mác, thành phần, hạn dùng bán nhan nhản thì nhân bánh sản xuất trong nước cũng bị thả nổi, mỗi cơ sở sản xuất một kiểu và thường không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Nguyên liệu không xuất xứ
Nhân bánh cà rốt để cạnh nhà vệ sinh ở làng bánh kẹo Xuân Đỉnh.Tại chợ sỉ Bình Tây, TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh các loại nguyên liệu truyền thống để chế biến bánh trung thu như các loại hạt, đậu,... năm nay nhiều người bán các loại nhân bánh trung thu làm sẵn. Tuy không trưng bày bên ngoài nhưng ở khu vực ngành hàng bánh mứt, thực phẩm khô, khi có khách hàng hỏi mua loại nhân bánh làm sẵn, người bán sẽ giới thiệu hàng chục loại nhân bánh được cất ở bên trong.
Các loại nhân bánh làm sẵn khá phong phú, từ nhân bánh trung thu hạt sen đến đậu xanh, đậu đỏ, sữa dừa, lá dứa, trà xanh, mè đen, sầu riêng, càphê, khoai môn, thập cẩm,... Điều đáng nói là các loại nhân bánh làm sẵn này lại cực thơm và rẻ hơn nhiều so với việc mua nguyên liệu từ các loại hạt, đậu về chế biến.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Thành Long - cho biết: “Với mức giá 50.000 – 70.000 đồng/kg, sẽ không thể nào sản xuất được nhân bánh trung thu hạt sen... đúng thành phần, chất lượng. Do vậy, chắc chắn các loại nhân bánh làm sẵn này được pha chế thêm thành phần khác”.
Điều đáng lo hơn cả là các sản phẩm này không có xuất xứ, nhãn mác, hạn dùng. Cả người bán và người mua đều không thể nào biết được thành phần nguyên liệu pha chế của nhân bánh ra sao. Một số sản phẩm được người bán giới thiệu là hàng có xuất xứ Trung Quốc, một số lại được giới thiệu là “hàng của công ty”, “hàng gia công” nhưng lại không ghi địa chỉ.
Ở khu vực quanh chợ Kim Biên, mặc dù đây là khu vực chuyên kinh doanh hóa chất nhưng khi hỏi mua hương liệu làm bánh trung thu, một cửa hàng đã giới thiệu các loại hóa chất dạng chất lỏng, được bán tối thiểu 1 lít, gồm nhiều hương từ đậu xanh đến sầu riêng, càphê, hạt sen,...
Để tìm hiểu kỹ hơn về xuất xứ của hàng loạt nguyên liệu làm bánh trung thu trôi nổi này, ngày 4.9, phóng viên Lao Động đã có mặt tại các cửa khẩu Lạng Sơn, thâm nhập vào các chợ như: Đông Kinh, Kỳ Lừa, Tân Thanh, Giếng Vuông... và mục sở thị dù năm nay thị trường nguyên liệu làm bánh mứt kẹo nhập lậu từ TQ về Lạng Sơn có vẻ trầm lắng, nhưng khi được hỏi mua với số lượng lớn thì vẫn được đáp ứng với điều kiện phải đặt trước và chờ 2-5 ngày là có sản phẩm đúng yêu cầu với số lượng bao nhiêu cũng có.
Khi được hỏi về các loại nhân bánh trung thu như: Trứng muối, đậu xanh, đậu đỏ, nhân thập cẩm được nhập từ TQ về, phần lớn các chủ hàng đều e dè nói không biết và cho rằng những năm trước có thấy nhập về nhiều nhưng năm nay không thấy. Sau một hồi trao đổi, biết khách cần mua số lượng lớn về làm nhân bánh nướng gia công, một chủ kiốt tên Phương tại chợ Giếng Vuông điện thoại trao đổi, bà chủ kiốt trên hẹn sau một ngày sẽ có giá vì đối tác bên TQ chưa cho giá chính xác.
Trước thông tin chất lượng hàng hoá nhập khẩu từ TQ vào VN không đảm bảo chất lượng, bà Bế Thị Thu Hiền - Trưởng trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh - khẳng định: “Về nguyên tắc, hàng hoá TQ trước khi nhập khẩu vào VN cũng được phía họ kiểm dịch và hàng hoá của VN trước khi xuất ra nước ngoài cũng được phía VN kiểm dịch, kiểm soát chặt.
Tuy nhiên, một tài xế “xe cóc” tuyến Tân Thanh - Lạng Sơn tên là Thành cho biết, một số mặt hàng có lãi cao và thuộc diện không cho phép nhập khẩu thì được cửu vạn vác lậu qua biên giới theo đường mòn, tập trung tại khu vực Kéo Kham rồi dùng xe mink chuyển về TP. Lạng Sơn và giao đi khắp nơi. Nguyên liệu bánh trung thu lậu chủ yếu đi theo con đường này.
Làm nhân bánh bên nhà vệ sinh
Trong khi giá cả các loại bánh trung thu vẫn tăng đều, mẫu mã cũng đa dạng phong phú hơn thì chất lượng bánh vẫn là câu hỏi lớn của người tiêu dùng. Có mặt tại làng nghề bánh kẹo Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội), mới thấy phát hoảng trước “quy trình” làm nhân bánh các loại của nhiều cơ sở làm bánh tại đây.
Thôn Đông là nơi tập trung nhiều cơ sở làm bánh nhất Xuân Đỉnh, song qua khảo sát, hầu hết đều không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại một cơ sở có mặt bằng sản xuất khá lớn của thôn, các loại nguyên liệu làm nhân bánh như thịt gà, bí đao, càrốt... bày lênh láng trên sàn nhà. Bí đao được ngâm vào bể nước cáu bẩn, nổi váng, còn cà rốt thái sợi vô tư phơi cạnh nhà vệ sinh. Các nhân công tại đây đều không đeo các thiết bị bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay..., mà hầu hết đều tay không, thậm chí chân đất lấm lem để nhồi bột, trộn nhân.
Kinh hãi hơn, tại một cơ sở chuyên sản xuất gia công cho các Cty bánh kẹo tại Hà Nội, thịt gà được sử dụng làm nhân bánh đã chuyển mùi ôi thiu được công nhân vô tư xé nhỏ để làm nhân bánh. Nữ nhân công này vô tư nói: “Sau khi chế biến, tẩm ướp tưng bừng, thứ thịt này lập tức sẽ thơm nức mũi, chị cứ yên tâm!”(!!).
Xã Xuân Đỉnh có khoảng 30 hộ tham gia sản xuất bánh trung thu, trong đó chỉ vài cơ sở sản xuất lớn, còn lại là hộ sản xuất nhỏ lẻ, chế biến gia công cho các Cty bánh kẹo lớn. Không phải lần đầu tiên làng bánh kẹo truyền thống này bị “sờ gáy”, bởi năm nào cũng có cơ sở bị phát hiện không đảm bảo chất lượng vệ sinh, có cơ sở đã buộc phải đóng cửa.
Theo Lao động