Nhằm quản lý tài nguyên, đất đai hiệu quả, đúng mục đích, phù hợp với tiêu chuẩn thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
Người dân làm thủ tục đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên
Đồng bộ, hiện đại hóa quản lý
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả hoạt động theo nhiệm vụ được giao, đến nay các phòng, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Văn phòng đăng ký đất đai và 9 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong tỉnh đã được trang bị đầy đủ, đồng bộ máy móc cùng các thiết bị chuyên dùng, hệ thống mạng như Modem, Switch, VPN-Firewall, hệ thống chống sét... kết hợp với sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước (tốc độ đường truyền từ 12 - 64Mbps) để khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đã xây dựng.
Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, nói: Nhờ có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm cơ sở để triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý, đúng kế hoạch nên thời gian qua trên địa bàn huyện không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái quy định pháp luật. |
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT, cho biết đất đai là tài nguyên quốc gia, do Nhà nước quản lý nên phải được quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đúng mục đích nhằm phát huy giá trị và tránh lãng phí. Trên cơ sở đó để UBND tỉnh ban hành các quyết định về kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại các huyện, thị, thành phố dựa trên quy hoạch tổng thể của từng địa phương cùng với dự báo, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt làm căn cứ pháp lý để UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thực hiện, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính tập trung cho 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thành phần, cấu trúc dữ liệu được tỉnh xây dựng đúng theo các quy định hiện hành của Bộ TN-MT, trong đó dữ liệu thuộc tính địa chính đã xây dựng được cho 448.601 thửa đất, nhập 11.235.827 trường chữ, 8.039.089 trường số. Dữ liệu không gian được xây dựng khép kín cho toàn tỉnh (khoảng 961.784 thửa đất), trong đó 779.893 thửa đất đã hoàn thiện theo quy định. Ngành chức năng của tỉnh cũng đã scan, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật vào cơ sở dữ liệu được 284.333 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tổng số khoảng 437.435 hồ sơ của toàn tỉnh.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh còn thường xuyên cập nhật, chỉnh lý và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh. Văn phòng đăng ký đất đai, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn trong tỉnh khai thác, cập nhật các biến động trên nền bộ bản đồ duy nhất này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính kịp thời của các biến động đất đai, tránh việc trùng thửa...
Nâng cao hiệu quả quản lý
Thực tế cho thấy, tại một số địa phương trong tỉnh, do tình hình phát triển cần phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, UBND cấp huyện phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch và có văn bản trình UBND tỉnh phê duyệt. Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thị, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt phải được công bố, công khai và tuyên truyền cho các đối tượng sử dụng đất là doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân nắm bắt được thông tin, thực hiện đúng quy định pháp luật và vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Một trong những căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thông qua quyết định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, người sử dụng đất chủ động tuân thủ và thực hiện đúng các thủ tục về đất đai khi có nhu cầu. Từ đó khắc phục tình trạng hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, đặc biệt trong tình hình thực tế về nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tăng nhanh như hiện nay.
Ghi nhận thực tế phát triển đô thị tại huyện Bắc Tân Uyên thời gian qua cho thấy, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ hình thành 2 đô thị trung tâm là Tân Thành và Tân Bình. Để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020 về công tác quy hoạch đô thị, ngay khi từ khi mới thành lập UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục thành lập thị trấn Tân Thành và thị trấn Tân Bình. Đến nay, thị trấn Tân Thành đã hoàn thành các thủ tục, tổ chức công bố các quyết định công nhận. UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các bước trong Đề án thành lập thị trấn Tân Bình để bảo đảm theo đúng tiến độ, lộ trình đã đề ra.
Theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, địa phương có diện tích tự nhiên khá lớn, tài nguyên về đất đai tương đối đa dạng, thuận lợi cho công tác quy hoạch để phát triển bền vững. Ý thức rõ được điều này UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, huyện đã hoàn chỉnh quy hoạch và trình tỉnh phê duyệt.
UBND huyện còn thường xuyên chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai; cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện ngày càng được thực hiện chặt chẽ, nề nếp và đúng định hướng quy hoạch.
Kết quả nổi bật, thời gian qua tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Bàu Bàng được đẩy nhanh; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm hiệu quả. Đến quý II-2019, số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong toàn huyện là 35.894 giấy/22.951 hộ, đạt 99,42% số hộ sử dụng đất, với tổng diện tích 22.683,96 ha (đạt 99,18% diện tích đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận). UBND huyện cũng đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 11 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều dự án kéo dài nhiều năm.
Song song với việc tăng cường công tác quản lý về đất đai, thời gian qua các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên luôn được quan tâm chỉ đạo quản lý chặt chẽ. Công tác thanh kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, liên tiếp trong 3 năm qua (2015-2018), UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện 245 lượt kiểm tra, kết quả đã phát hiện và xử lý 116 trường hợp vi phạm trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản. Địa phương cũng xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực TN-MT tổng số tiền gần 5 tỷ đồng và yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấp hành nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Hỏi đáp pháp luật về quy hoạch sử dụng đất Hỏi: Người sử dụng đất được quyền gì khi thửa đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất? Trả lời: Khoản 2, Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau: Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. SỞ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG |
TÔN THẤT SƠN