Phát huy lợi thế, thúc đẩy thương mại, dịch vụ vùng nông thôn

Cập nhật: 24-06-2023 | 06:46:56

Những năm qua, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, dịch vụ (TMDV) ở khu vực thành phố, các huyện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tận dụng lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực này, đóng góp kinh tế địa phương phát triển, qua đó giúp nhiều hộ dân chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Khai thác lợi thế

Là huyện nông thôn phía Bắc của tỉnh, huyện Dầu Tiếng có thế mạnh về nông nghiệp, cùng với vị trí tiếp giáp tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh... đã tạo điều kiện cho huyện Dầu Tiếng phát triển mọi mặt, trong đó có ngành TMDV. Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, mỗi một xã tận dụng những thế mạnh, thúc đẩy sản phẩm đặc trưng phát triển.

Về xã Thanh Tuyền, chúng tôi nhận thấy hoạt động TMDV đang diễn ra khá sôi nổi. Dọc tuyến đường ĐT.744 rất nhiều các hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng nông sản như măng cụt, sầu riêng, rau củ quả... Tại chợ Bến Súc mỗi buổi sáng khá nhộn nhịp. Rau, củ, quả, nông sản được nông dân sản xuất vào chợ khá phong phú, tạo nên điểm nhấn riêng của vùng nông thôn.

Phát huy lợi thế địa phương, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có điều kiện để phát triển TMDV. Trong ảnh: Cửa hàng Bách hóa xanh tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng

Ông Võ Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết địa phương có đặc sản đặc trưng là măng cụt và sầu riêng, năm nay đều trúng mùa nên bà con nông dân rất phấn khởi. Xã Thanh Tuyền giáp với tỉnh Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi để giao thương. Dọc tuyến đường ĐT.744 và khu vực chợ, đặc sản địa phương bày bán nhiều giúp khách du lịch và người dân địa phương dễ dàng tiếp cận sản phẩm có nguồn gốc.

“Với thế mạnh vùng chuyên canh cây măng cụt là lợi thế để xã phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn. Sau khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ càng thu hút du khách, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông An cho biết thêm. Anh Nguyễn Văn Hùng, hộ kinh doanh trên tuyến đường ĐT.744, chia sẻ: “Xã Thanh Tuyền là cửa ngõ nên khách du lịch đi ngang qua đều ghé vào mua hàng đặc sản. Nhiều loại mắm, muối do người dân làm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Giao thông thuận lợi đã giúp cho người dân kinh doanh tốt, tạo việc làm, thu nhập ổn định”.

Cũng là huyện có thế mạnh chuyên canh cây ăn trái có múi, huyện Bắc Tân Uyên đã tận dụng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Các mô hình tập trung chủ yếu ở xã Hiếu Liêm, điển hình như trang trại Lâm Thành Thương, Đồi Xanh, Sol Retreat... Mặc dù các mô hình du lịch quy mô còn nhỏ lẻ nhưng cũng góp phần thúc đẩy lĩnh vực TMDV tại địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo quy luật tự nhiên, một số vườn cây ăn trái có múi sau một thời gian khai thác trở nên già cỗi, đất suy thoái, để tái tạo đất một số nhà vườn đã chuyển sang trồng chuối... góp phần giữ vững nguồn thu nhập cho người nông dân, đa dạng sản phẩm cho thị trường TMDV.

Động lực phát triển

Trên địa bàn huyện Bàu Bàng hiện có 10 chợ truyền thống được phân bổ tại các xã, thị trấn. Hàng hóa đa dạng, phong phú đủ cung ứng cho người dân địa phương. Quan sát tại chợ Lai Khê, xã Lai Hưng, các mặt hàng tương đối đầy đủ, đa dạng. Ông Nguyễn Văn Cảnh, quản lý chợ cho biết chợ có 40 ki-ốt trưng bày hàng tạp hóa, thiết bị máy móc, vật tư, ăn uống, giải khát... Thời điểm này phát triển chậm nhưng các tiểu thương vẫn duy trì kinh doanh bởi khó khăn là tình hình chung.

Hệ thống cửa hàng tiện ích như Bách hóa xanh, Điện máy xanh cũng góp phần thúc đẩy TMDV trên địa bàn huyện phát triển, mở rộng kênh mua sắm cho người dân. Chị Nguyễn Phương Như, quản lý cửa hàng Bách hóa xanh, ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, chia sẻ: “Lượng khách của cửa hàng luôn duy trì ổn định, không có sự đột biến. Mỗi tuần đều có chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Phần lớn khách hàng là người dân địa phương, cuối tuần thường đông hơn nhờ công nhân từ các KCN đến mua sắm”.

Các KCN Bàu Bàng (hiện hữu và mở rộng), Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi mời gọi đầu tư, thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp và kéo theo các ngành TMDV cùng phát triển, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, để tiếp tục thúc đẩy TMDV huyện phát triển, thời gian tới huyện chú trọng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn với phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện sẽ huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, mời gọi đầu tư, phát triển các lĩnh vực ngân hàng, siêu thị, chợ, trung tâm giải trí, kho bãi, dịch vụ nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, TMDV là đòn bẩy để nhiều địa phương phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, tại các địa phương, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn là tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết
Tags
Tây Ninh

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1089
Quay lên trên