Để tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, chuyển hóa lợi thế từ các hiệp định thương mại, doanh nghiệp (DN) cần nỗ lực lớn để tồn tại và phát triển.
Công nghệ là yếu tố sống còn
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhằm ổn định sản xuất. Điều này kỳ vọng sẽ là một cú hích, mở ra cơ hội cho các DN nội trong bối cảnh mới.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An)
Thông tin đang được các DN trong tỉnh chờ đợi gần đây là dự kiến trong tháng 1-2021, hãng điện tử và đồ điện gia dụng nổi tiếng Panasonic của Nhật Bản đưa nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Đây sẽ là cơ hội lớn để các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tham gia vào chuỗi cung ứng với Panasonic. Bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc bộ phận mua hàng toàn cầu Panasonic Việt Nam cho biết, hiện danh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của tập đoàn rất đa dạng, bao gồm ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, đồ điện gia dụng… cần rất nhiều linh kiện. Cơ hội này dành đều cho các DN ngành CNHT Bình Dương và vùng lân cận.
Tại Bình Dương có khoảng 2.300 DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNHT. Bước đầu, đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN FDI. Điều đáng mừng, Bình Dương đã có những DN đủ trình độ để cung ứng các sản phẩm linh kiện điện tử cho các “ông lớn” của ngành sản xuất điện tử.
Để tham gia được chuỗi cung ứng, ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Vy (TP.Thuận An) khẳng định, chỉ có việc đầu tư đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng để tiếp cận với khách hàng FDI. “DN thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị công nghệ sản xuất, sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí. Sản phẩm vừa có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.
Nhìn từ thực tế, phần lớn DN sản xuất CNHT trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao... dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng, nhất là những đơn hàng lớn, đòi hỏi chất lượng ổn định, thời gian giao hàng ngắn... cũng không phải dễ dàng. Thêm vào đó, có nhiều DN Việt băn khoăn nếu đi trước một bước, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng nếu không tìm được lối vào, sẽ không biết bán sản phẩm cho ai… Chính điều này là rào cản khiến họ e dè trước khi đầu tư và cần cam kết của bên mua hàng.
Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành CNHT lĩnh vực cơ khí, ông Đỗ Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Trung Dũng (TP.Thuận An) cho biết, tình trạng chung của nhiều DN hiện nay là nguồn vốn tự có rất hạn hẹp, không đủ sức để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Nhưng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN càng không thể “đứng ngoài lề”. Lựa chọn những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại nhằm giúp mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Nếu không bước đi con đường đó, vĩnh viễn các DN sẽ bị bỏ lại phía sau.
Liên kết để phát triển
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Bình Dương, trong bối cảnh hiện nay, các DN CNHT ngành giày da cần đầu tư bài bản để sản xuất nguyên liệu khi nguồn cung trong nước vẫn là tiêu chí các DN giày da xuất khẩu hướng đến. Cần liên kết mạnh với DN sản xuất đầu cuối để tìm hiểu nhu cầu nguyên vật liệu. Ông Vũ cho biết, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì DN đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn. Điều này làm yếu thế các DN trên trường xuất khẩu cũng như trên chính thị trường trong nước.
Không những trong lĩnh vực sản xuất, các DN cũng cần liên kết trong việc hình thành chuỗi logictisc, tạo thuận lợi hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Theo Thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần để phát huy nội lực của các DN Việt, liên kết là yếu tố sống còn để phát triển và tham gia được vào các chuỗi cung ứng mang lại giá trị cao, ổn định. Lâu nay các DN vẫn nghĩ rằng liên kết sẽ giảm tính cạnh tranh song thực tế vấn đề liên kết giúp DN, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa, thích ứng với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những chuỗi cung ứng mới, bền vững. ICD Tân Cảng Sóng Thần cũng chủ động liên kết với các đối tác, nâng cao hàm lượng công nghệ, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời đại 4.0.
Bà Hoàng Thu Thủy cho rằng, Panasonic luôn mở cơ hội cho tất cả các DN. Song nếu như các DN FDI tiếp cận với thái độ tích cực, muốn hợp tác trực tiếp, còn DN Việt Nam thì rụt rè, e ngại sẽ rất khó hợp tác thành công. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của Panasonic rõ ràng, chỉ cần DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng thì có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
TIỂU MY