Phát huy sức dân trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc

Cập nhật: 18-08-2015 | 08:00:34

Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, tuy còn non trẻ song lực lượng công an đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái tham gia vào các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”; “Việt nữ đoàn”; “Cảnh sát danh dự không lương”... sát cánh cùng lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong giặc ngoài trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ông Trần Thanh Liêm (giữa), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể tiêu biểu trong phong trào TDBVANTQ của Bình Dương trong thời gian qua

19-8, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng CAND đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn hội kháng chiến, tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “3 không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: Ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là “Không nghe, không biết, không thấy”; ở vùng địch tạm chiếm là “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”, ở Nam bộ phát động nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm.

Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Bảo mật phòng gian” với các nội dung cụ thể: Bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị... ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam... Đỉnh cao là góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” ở ngoài xã hội và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở cả 3 vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30- 4-1975), lực lượng công an đã sớm tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ- TTg lấy ngày 19-8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Những thành tựu qua 10 năm thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Qua thực hiện phong trào, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới đối với công tác an ninh, trật tự.

Lực lượng CAND đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quán triệt, thực hiện Quyết định số 521/QĐ- TTg ngày 13-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương; xây dựng lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh, hướng về cơ sở và địa bàn dân cư; triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn xác định công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ là biện pháp cơ bản, chiến lược lâu dài trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác phòng, chống hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể (qua thực hiện nghị quyết liên tịch), phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã liên tục được phát động và có bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội.

Theo thống kê, đến nay cả nước đã có trên 700 mô hình tổ chức quần chúng tự nguyện tự quản được hình thành theo cơ chế: “Dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi” có sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, CAND tham mưu, hướng dẫn thực hiện như: Mô hình “Cụm liên kết bảo vệ an ninh, trật tự”; “Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi ở cộng đông dân cư”; “Tổ liên gia tự quản”; “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”; “Xã an toàn về an ninh, trật tự”; “Gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học an toàn về an ninh trật tự”... Lực lượng an ninh cơ sở, bảo vệ dân phố, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng, đã tích cực phối hợp với lực lượng công an trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, cung cấp cho cơ quan chức năng hàng ngàn tin liên quan đến an ninh trật tự có giá trị giúp lực lượng công an trong công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Qua 10 năm thực hiện Quyết định 521-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã liên tục được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng. Ngày hội không chỉ là dịp tập hợp đông đảo quần chúng mà còn là đợt biểu dương lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ gia đình, thôn xóm, đến các xã, phường, cơ quan, đoàn thể, trường học... đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự hiệu quả. 

P.V (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
CAND

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên